DNews

3 năm nỗ lực để hoàn thành quy hoạch báo chí trước hạn 2 năm

Phương Thảo Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành việc quy hoạch báo chí với việc tổ chức lại báo điện tử Dân trí và báo Lao động và Xã hội thành báo Dân trí. 3 năm kể từ ngày Dân trí về trực thuộc Bộ là cả hành trình dài...

3 năm nỗ lực để hoàn thành quy hoạch báo chí trước hạn 2 năm

Vượt tiến độ

Thực hiện Quyết định số 362 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Kế hoạch số 1738 của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch, đến nay, Ban cán sự đảng Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ sắp xếp lại các cơ quan thuộc Bộ hoàn thành trước 2 năm so với quy định.

3 năm nỗ lực để hoàn thành quy hoạch báo chí trước hạn 2 năm - 1

Tháng 7/2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng biên tập với nhà báo Phạm Tuấn Anh khi tiếp nhận báo điện tử Dân trí từ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam về Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: Trọng Trinh).

Hành trình hơn 3 năm qua bắt đầu từ giữa tháng 7/2020, Bộ tiếp nhận báo điện tử Dân trí từ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Đây là kết quả tốt đẹp của giai đoạn 1 thực hiện quy hoạch báo chí, chuyển tờ báo từ cơ quan chủ quản là Hội về Bộ, đảm bảo vận hành ổn định, thông suốt, phát huy được thế mạnh của một trong những tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam.

Tiếp nhận tờ báo ở độ tuổi trăng rằm (thành lập, hoạt động được 15 năm) tròn đầy, sung sức, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã có những chỉ đạo, định hướng để tạo điều kiện, hỗ trợ, thúc đẩy tờ báo đổi mới, phát triển.

Đến nay, ở tuổi 18 xuân xanh, báo điện tử Dân trí tiếp tục khẳng định được vị thế là một trong những cơ quan báo chí lớn, uy tín hàng đầu của Việt Nam, với lượng độc giả đông đảo trong và ngoài nước. Báo có nhiều đổi mới về nội dung, đầu tư nền tảng công nghệ, phương thức thể hiện hiện đại và không ngừng gia tăng lượng truy cập.

3 năm nỗ lực để hoàn thành quy hoạch báo chí trước hạn 2 năm - 3

Từ khi tiếp nhận báo điện tử Dân trí, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã có những chỉ đạo, định hướng để tạo điều kiện, hỗ trợ, thúc đẩy tờ báo đổi mới, phát triển (Ảnh: Sơn Tùng).

Lãnh đạo Bộ ghi nhận, báo điện tử Dân trí đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc phản ánh những vấn đề quan trọng của đất nước, xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến ngành lao động, thương binh, xã hội.

Song song với quá trình sắp xếp tại báo điện tử Dân trí, ngày 30/3/2021, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ký Quyết định số 380/QĐ-LĐTBXH sáp nhập tạp chí Gia đình và Trẻ em vào báo Lao động và Xã hội kể từ ngày 1/4/2021. Quyết định này để tiến dần tới định hướng mỗi Bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan báo và 1 cơ quan tạp chí đề ra trong đề án quy hoạch báo chí.

Thời điểm đó, với tư cách một Bộ tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, Bộ LĐ-TB&XH được duy trì 2 cơ quan báo đến thời hạn năm 2025, là báo điện tử Dân trí và báo Lao động và Xã hội.

3 năm nỗ lực để hoàn thành quy hoạch báo chí trước hạn 2 năm - 5

Đến nay, các thủ tục liên quan đến việc tổ chức lại báo Dân trí đã hoàn thành theo quy định (Ảnh: Sơn Tùng)

Tại hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 62 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ xác định còn 2 cơ quan báo chí gồm báo Dân trí (trên cơ sở tổ chức lại báo điện tử Dân trí cùng báo Lao động và Xã hội) và tạp chí Lao động và Xã hội.

Trong giai đoạn 2 thực hiện quy hoạch báo chí này, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nghiêm túc, thận trọng nhưng khẩn trương, quyết liệt từng bước để đến nay, các thủ tục liên quan đến việc tổ chức lại báo Dân trí đã hoàn thành theo quy định. Từ tháng 6 đến tháng 10 năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng thống nhất về việc tổ chức lại báo điện tử Dân trí và báo Lao động và Xã hội thành báo Dân trí theo đúng quy hoạch báo chí được duyệt.

Ngày cuối cùng của tháng 10, giấy phép hoạt động đối với báo in và báo điện tử thuộc báo Dân trí kể từ ngày 1/11/2023 được cấp. Trong ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng ký quyết định về việc tổ chức lại 2 tờ báo thành báo Dân trí, quyết định về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của báo Dân trí, các quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập, các Phó Tổng biên tập báo Dân trí sau khi tổ chức lại.

3 năm nỗ lực để hoàn thành quy hoạch báo chí trước hạn 2 năm - 7

Tổng biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Tuấn Anh được bổ nhiệm làm Tổng biên tập báo Dân trí (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo đó, Tổng biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Tuấn Anh được bổ nhiệm làm Tổng biên tập báo Dân trí. Báo có 3 Phó Tổng biên tập là ông Nguyễn Xuân Toàn, bà Nguyễn Thu Hằng và Nguyễn Thúy Hằng với tổng số hơn 200 cán bộ, phóng viên, biên tập viên hợp nhất từ 2 tờ báo.

Như vậy, so với hạn định "đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp còn 1 cơ quan báo" mà Thủ tướng đã giao trong Quyết định 362 năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thành sớm hơn 2 năm.

Yêu cầu đặc biệt của Bộ trưởng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, việc kiện toàn báo Dân trí là kết quả quan trọng của quá trình tổ chức, sắp xếp bài bản 3 năm qua, nhằm tạo ra một cơ quan báo chí tổng hợp, hiện đại, chuyên sâu về lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội.

Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên báo Dân trí quán triệt sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kiện toàn tòa soạn, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục phấn đấu xây dựng báo Dân trí vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

"Quan trọng nhất, sau kiện toàn, báo Dân trí có thể nhân đôi sức mạnh, là nền tảng để vươn lên thành một tổ hợp truyền thông hiện đại, chuyên nghiệp", lãnh đạo cơ quan chủ quản báo nêu định hướng.

3 năm nỗ lực để hoàn thành quy hoạch báo chí trước hạn 2 năm - 9

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên báo Dân trí đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, xây dựng báo Dân trí vững mạnh (Ảnh: Mạnh Quân).

Điểm lại hành trình 3 năm qua, Tổng biên tập báo Dân trí Phạm Tuấn Anh khái quát, việc quy hoạch báo chí của Bộ LĐ-TB&XH về đích sớm 2 năm so với kế hoạch thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt trên tinh thần sắp xếp hài hòa, hiệu quả, đảm bảo sự phát triển của báo. Kết quả đó, không nhiều cơ quan chủ quản làm được.

"Đó là kết quả từ nỗ lực chung từ Bộ LĐ-TB&XH, nhất là cá nhân Bộ trưởng, thể hiện sự đồng lòng, quyết liệt của Ban cán sự Đảng bộ và người đứng đầu. Xác định việc sáp nhập sẽ gặp không ít khó khăn, nhiều thủ tục phức tạp nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã quyết liệt triển khai, họp bàn, thống nhất để đưa ra đề xuất trình Chính phủ đưa vào Nghị định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ (Nghị định 62 năm 2022)", nhà báo Phạm Tuấn Anh nhận định.

Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 62, Bộ LĐ-TB&XH lập tức bắt tay thực hiện kế hoạch. Hơn 1 năm, trải qua rất nhiều cuộc họp với các đơn vị liên quan, với hai báo, báo điện tử Dân trí và báo Lao động và Xã hội, để lên phương án, kế hoạch, xây dựng đề án kỳ công, bảo đảm đầy đủ yếu tố sao cho việc sáp nhập diễn ra đúng quy định vừa đảm bảo môi trường ổn định tiếp tục phát triển báo.

Tổng biên tập báo Dân trí cho biết, căn cứ đề xuất tại những cuộc họp như vậy, Ban cán sự đảng bộ Bộ LĐ-TB&XH đã xem xét nhiều khía cạnh liên quan đến hoạt động báo chí, yếu tố về tổ chức, tài chính, nhân sự... để đưa ra các quyết định, từ đó hoàn thiện được các hồ sơ gửi sang Bộ Thông tin - Truyền thông, Ban Tuyên giáo thẩm định, chấp thuận. Có sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, công việc mới hoàn thành vượt tiến độ, về đích sớm.

3 năm nỗ lực để hoàn thành quy hoạch báo chí trước hạn 2 năm - 11

Việc kiện toàn báo Dân trí là kết quả quan trọng của quá trình tổ chức, sắp xếp bài bản 3 năm qua, nhằm tạo ra một cơ quan báo chí tổng hợp, hiện đại, chuyên sâu về lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội (Ảnh: Sơn Tùng).

Nhà báo Phạm Tuấn Anh cho biết, không ít những cuộc họp quá giờ trưa hoặc đến tối muộn, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo từng bước, xem xét từng đề xuất cụ thể của hai báo, ý kiến tham mưu của các đơn vị trực thuộc Bộ. Những cuộc họp then chốt để đưa ra định hướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đều trực tiếp chủ trì, chỉ đạo.

"Tôi vẫn nhớ lần Bộ trưởng trực tiếp trao đổi, quán triệt tinh thần phải đảm bảo cuộc sống, thu nhập với anh em phóng viên, biên tập viên của cả hai cơ quan báo chí sau khi sáp nhập, hợp nhất. Chúng tôi hiểu sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo Bộ đến nguồn nhân lực, đến đời sống của cán bộ nhân viên.

Tôi cũng tâm niệm, đầu tư cho con người là hướng đúng đắn, là đầu tư then chốt nhất, đúng với nguyên lý hoạt động của Bộ LĐ-TB&XH là "Bộ vì con người". Dù nhận nhiệm vụ với không ít áp lực trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, chúng tôi thống nhất quán triệt ý kiến của lãnh đạo Bộ về việc này, cam kết với Bộ trưởng đảm bảo thu nhập, đời sống của các nhân sự trong tòa soạn", Tổng biên tập Phạm Tuấn Anh chia sẻ.