1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bạc Liêu:

Chăm lo gia đình chính sách trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương, tận tụy

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%, phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng, không có hộ chính sách thuộc diện nghèo, cận nghèo theo tiêu chí đa chiều là những nổi bật của ngành LĐ-TB&XH Bạc Liêu.

Cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%

Bà Trần Hồng Chiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, nhấn mạnh, công tác giảm nghèo là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. 5 năm qua, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã quán triệt và tổ chức, phối hợp các cấp, các ngành, địa phương có nhiều đổi mới trong triển khai thực hiện, đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Tỉnh đã đầu tư xây dựng 218 công trình kinh tế, xã hội thiết yếu ở vùng có điều kiện khó khăn; triển khai 78 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế hỗ trợ cho hơn 2.900 hộ hưởng lợi; hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 109.500 lao động và tạo việc làm cho trên 87.800 lao động.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương nói về công tác giảm nghèo của Bạc Liêu

Có 51.500 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay các nguồn vốn tín dụng ưu đãi với số tiền trên 1.000 tỷ đồng; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 156.700 người nghèo, hơn 124.000 người cận nghèo, trên 597.400 người dân sống ở các địa bàn xã đặc biệt khó khăn, với số tiền 548 tỷ đồng.

“Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo không có khả năng tự xây dựng trên địa bàn tỉnh”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu thông tin.

Việc hỗ trợ nhà cho họ nghèo theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ và ngoài quyết định này, tỉnh đã xây dựng được 5.123 căn nhà cho hộ nghèo, với kinh phí 154 tỷ đồng.

Trong công tác giảm nghèo, theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, ngoài nguồn vận động xã hội hóa các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh đóng góp bằng nhiều hình thức số tiền trên 512 tỷ đồng.

Tỉnh còn triển khai có hiệu quả mô hình phân công cơ quan, cán bộ, đảng viên và vận động doanh nghiệp giúp đỡ hộ nghèo, hỗ trợ công cụ, phương tiện, giống, vốn và hướng dẫn cách làm ăn, giúp hộ nghèo có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Qua 5 năm, mô hình này đã hỗ trợ, giúp đỡ cho trên 23.800 hộ, với số tiền hơn 87 tỷ đồng.

"Nếu như đầu năm 2016 tổng số hộ nghèo trong tỉnh là 30.855 hộ, thì đến cuối năm 2019 giảm còn 3.068 hộ. Trong năm 2020, phân công giúp đỡ 2.067 hộ và phấn đấu đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,5%", bà Chiến nêu kết quả.

Phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu cho biết, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã thực hiện tốt việc nhận phụng dưỡng đến cuối đời 302 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện nay còn sống 91 mẹ), với số tiền gần 8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ thương binh 1/4 và 2/4 gặp khó khăn với số tiền gần 9 tỷ đồng.

Chăm lo gia đình chính sách trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương, tận tụy - 1

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng cùng lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và Ban, ngành tỉnh đến thăm gia đình chính sách trên địa bàn TP Bạc Liêu.

Tỉnh đã hoàn thành việc rà soát 2 giai đoạn của đề án 22, được Trung ương phê duyệt là 5.107 căn nhà, trong đó xây dựng mới 4.345 căn và sửa chữa 753 căn cho người có công với cách mạng về nhà ở, với tổng kinh phí hơn 232,7 tỷ đồng.

Đặc biệt, với đối tượng người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở phát sinh nằm ngoài đề án 22, tỉnh đã tập trung vận động, trích quỹ an sinh xây dựng và sửa chữa 2.065 căn, với số trên 86 tỷ đồng. Đã triển khai dứt điểm cuối năm 2019, hoàn thành trước 1 năm so với quy định.

“Đời sống gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện và nâng lên, không có hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí đa chiều trên địa bàn tỉnh”, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu cho hay.

Bà Trần Hồng Chiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, cho rằng, để có kết quả như trên, một trong những kinh nghiệm của tỉnh là việc thực hiện giảm nghèo phải hướng vào những vùng còn tỷ lệ hộ nghèo cao; ưu tiên chăm lo các gia đình chính sách với tinh thần “chủ trương phải đúng trọng tâm, chỉ đạo phải quyết liệt, chỉ trì phải gương mẫu, tận tụy, sâu sát, dân chủ”;…

Phải tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, gắn với đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động ở nông thôn nhằm nâng cao kiến thức, tay nghề, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động chất lượng cao.

Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 70.000 người có công được thụ hưởng chính sách ưu đãi. Trong đó, có gần 11.000 người được hưởng chính sách ưu đãi thường xuyên và 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trong cùng địa bàn.