1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đà Nẵng xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em

Khánh Hồng

(Dân trí) - Mục tiêu của đề án trong giai đoạn 2020-2025 là 80% xã phường, thôn làng, trường học, xí nghiệp có quy định về an toàn, không quấy rối tình dục và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Tình trạng xâm hại chiếm tỷ lệ cao

Thời gian qua, vấn đề bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em đang trở thành một vấn nạn nhức nhối đối với xã hội. Đây không chỉ là vấn đề trong phạm vi gia đình mà còn là vấn đề được cả xã hội quan tâm lên tiếng và bảo vệ.

Thống kê từ Công an Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn đã xảy ra 22 vụ vi phạm về bạo lực gia đình, 10 vụ xâm hại trẻ em. Liên tục trong tháng 7/2020, các đối tượng đã lập các tài khoản mạng xã hội để lừa đảo, khống chế các cô gái bằng những hình ảnh nhạy cảm để quan hệ tình dục.

Đà Nẵng xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em - 1

Trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ

Không chỉ bạo hành phụ nữ mà trẻ em cũng là đối tượng bị xâm hại. Trẻ em bị xâm hại thường xảy ra ở những xã, phường có nhiều dân nhập cư, phòng cho thuê, khu vực đông người lao động nghèo và địa bàn vắng.

Số vụ xâm hại trẻ em được báo cáo đến cơ quan chức năng điều tra thường được phát hiện chậm, dẫn đến thu thập chứng cứ khó khăn, đối tượng không nhận tội hoặc bỏ trốn.

Tại hội nghị triển khai thực hiện chỉ thị số 39/CT/TU về xây dựng Thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em vừa được tổ chức, Đại tá Trần Mưu - Phó Giám đốc Công an Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tội phạm xâm hại tình dục và bạo lực phụ nữ, trẻ em là do sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước bạo hành gia đình còn hạn chế, nhiều nơi còn coi vấn đề bạo lực phụ nữ là chuyện thông thường, chuyện riêng của mỗi gia đình.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, từ năm 2016 đến tháng 6/2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 74 vụ, gồm 129 đối tượng xâm hại trẻ em. Tổng số trẻ em bị xâm hại là 75 em, trong đó, các vụ việc xâm hại tình dục là cao nhất, chiếm tỷ lệ 77%.

Các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em.

Từ đó, dẫn tới trẻ em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức kỹ năng phòng tránh xâm hại, nhất là xâm hại tình dục.

Nguyên nhân kinh tế và các tệ nạn xã hội như nghiện rượu, cờ bạc, ma túy, mại dâm … đã dẫn đến việc nam giới có nguy cơ giải quyết khó khăn bằng hành vi bạo lực, mà trước hết là bạo lực với phụ nữ trong gia đình.

Cùng với đó, sự phát triển trang mạng xã hội khiến một số người có biểu hiện sống “ảo”, luôn muốn hưởng thụ hơn làm việc, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng lừa đảo các bạn gái nhẹ dạ cả tin.

Xây dựng thành phố không bạo lực với phụ nữ và trẻ em

Đề án "Thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2035” đặt tiêu giai đoạn 2020 - 2025 có 80% trở lên xã, phường (hoặc cộng đồng) hoặc thôn/làng quê; trường học và cơ sở giáo dục; công sở, nhà máy, xí nghiệp, trên phương tiện giao thông công cộng có quy ước/quy chế/quy định/nội quy về an toàn, không quấy rối tình dục và bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Đà Nẵng xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em - 2

Những thông điệp phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em được tuyên truyền trên xe buýt

Theo đó, 50% địa điểm công cộng đảm bảo cơ sở hạ tầng an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em, 100% cán bộ chuyên trách của các cơ quan, đơn vị tham gia triển khai đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm thực hiện các nội dung kế hoạch hoạt động tại địa phương, đơn vị về thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Đồng thời, Đề án đặt ra mục tiêu hàng năm, hạn chế tối đa, không để xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại nghiêm trọng đối với phụ nữ, trẻ em; đảm bảo 100% nạn nhân bị bạo lực được phát hiện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời…

Ông Nguyễn Thanh Quang - Trưởng ban Dân vận Thành ủy khẳng định, việc ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU xác định "xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em" sẽ là một chuẩn mực mới cần có của thành phố “đáng sống”, khi Đà Nẵng đã và đang thực hiện mục tiêu “Thành phố 4 an”: an sinh xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Theo ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, nguyên nhân của các vụ xâm hại trẻ em trong thời gian qua là do sự vào cuộc chưa thật sự quyết liệt của các cấp chính quyền, ý thức bảo vệ trẻ em còn hạn chế, tác động tiêu cự của mạng xã hội, games, phim ảnh…

Ông Nguyên cho biết, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng môi trường thuận lợi để em được phát triển toàn diện.

Cụ thể, Đà Nẵng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về công tác trẻ em như giúp đỡ thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em… Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện quyền trẻ em. Hình thành 56 câu lạc bộ quyền trẻ em tại 56 xã, phường.