1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Giữ sổ bảo hiểm xã hội của người lao động làm "con tin"

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Người lao động gây thiệt hại cho doanh nghiệp và bị sa thải. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có quyền giữ sổ bảo hiểm xã hội của người lao động để bàn chuyện bồi thường thiệt hại không?

Trao đổi tại hội nghị đối thoại với Bảo hiểm xã hội TPHCM, đại diện công ty R cho biết tại doanh nghiệp có trường hợp một nhân sự vi phạm kỷ luật đến mức bị sa thải. Công ty báo giảm đóng và tờ rời sổ bảo hiểm xã hội (thứ gắn liền với sổ bảo hiểm xã hội, ghi quá trình đóng BHXH của người tham gia quá trình nhận hưởng các chế độ BHXH) được trả về công ty.

Nhân viên vừa bị sa thải nói trên có hành vi gây tổn thất về tài chính doanh nghiệp nên công ty yêu cầu nhân sự đó đến để làm việc và công ty trả lại tờ rời bảo hiểm xã hội đã chốt. Tuy nhiên, nhân sự đó không đến và bỏ luôn tờ rời bảo hiểm xã hội không nhận.

Người đại diện doanh nghiệp cho rằng: "Người lao động qua công ty mới làm việc, nhờ công ty mới báo mất sổ là được cấp lại sổ mới. Vậy cơ quan bảo hiểm xã hội có chính sách nào hỗ trợ doanh nghiệp các trường hợp như trên để người lao động phối hợp làm việc hay không?".

Giữ sổ bảo hiểm xã hội của người lao động làm con tin - 1

Khi chấm dứt hợp đồng, công ty có trách nhiệm phải chốt sổ và trả sổ bảo hiểm cho người lao động (Ảnh minh họa: Xuân Trường).

Đại diện công ty đề xuất cơ quan bảo hiểm xã hội có phương thức thông báo cho doanh nghiệp mới tiếp nhận nhân sự trên về làm việc để họ biết sự việc đã xảy ra ở công ty cũ, để công ty mới có phương án đề phòng rủi ro tài chính.

Theo Bảo hiểm xã hội TPHCM, tại Khoản 2 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định rõ quyền của người lao động là "được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội".

Khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội còn quy định: "Trách nhiệm của người sử dụng lao động là phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật".

Căn cứ quy định nêu trên, khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà công ty giữ lại sổ bảo hiểm xã hội để giải quyết vi phạm kỷ luật là không đúng thẩm quyền và trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động.

Theo Bảo hiểm xã hội TPHCM, việc người lao động vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm hợp đồng lao động là tranh chấp giữa cá nhân và doanh nghiệp, các bên cần thương lượng, hòa giải, hoặc khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án giải quyết.