DMagazine

Những “bông hồng thép” ở trung tâm cai nghiện

(Dân trí) - Nghe đến người nghiện ma túy là nhiều người đã né xa. Nhưng có những người phụ nữ lại tìm đến chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho họ…

Những bệnh nhân đặc biệt

Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) là một trong những trung tâm cai nghiện lớn nhất TPHCM, tập trung điều trị cho nhiều thành phần nghiện ngập, trong đó có không ít dân chơi, quậy phá.

Ở nơi này, cứ tưởng cán bộ quản giáo đều là những người đàn ông bản lĩnh, sức dài vai rộng. Nhưng thực ra, nơi ấy vẫn có những bóng hồng gắn bó cả tuổi thanh xuân để giúp các học viên có thể cai nghiện thành công sớm quay về hòa nhập với cộng đồng.

Những "bông hồng thép" ở trung tâm cai nghiện

Gặp bác sĩ Trần Thị Lan Chinh (42 tuổi) tại phòng y tế của Trung tâm, ít ai nghĩ chị đã gắn bó ở đây gần 20 năm. Chị mảnh người và có gương mặt phúc hậu, dịu dàng nên rất khó tưởng tượng được chị làm sao ứng phó với những bệnh nhân vốn là con nghiện…

Những “bông hồng thép” ở trung tâm cai nghiện - 1

Bắt đầu từ năm 2003, khi bác sĩ Trần Thị Lan Chinh (42 tuổi) đã công tác tại Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa

Những “bông hồng thép” ở trung tâm cai nghiện - 2
Bác sĩ Chinh chia sẻ, lúc ấy chị bị nhiều người nói quyết định của chị là dại dột nhưng chị nghĩ mỗi người có một cuộc sống riêng, một đam mê và sự lựa chọn riêng

Bác sĩ Lan Chinh vào làm việc tại Trung tâm từ năm 2003, trước đó chị đang làm bác sĩ đa khoa tại bệnh viện. Chị bảo: “Mình chỉ muốn góp phần nhỏ bé mang lại cuộc sống hạnh phúc cho các học viên không may lỡ sa chân vào tệ nạn ma túy”.

Bác sĩ Lan Chinh chia sẻ, lúc chọn trở thành bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân nghiện ma túy, người quen đều nói quyết định của chị là dại dột. Nhưng chị nghĩ, mỗi người có một cuộc sống riêng, một đam mê và sự lựa chọn của riêng mình nên chị quyết tâm làm việc tại trung tâm.

Khi gặp chị Nguyễn Thị Kim Loan (40 tuổi), nhân viên phụ trách điều trị tâm lý cho học viên, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn vì dáng người gầy gò của chị. Thật lo lắng khi học viên bộc phát tâm lý không bình thường thì một người phụ nữ ốm yếu như chị làm sao sao xử lý.

Vậy mà khi nói về công việc của mình, chị cười rạng rỡ bảo: “Từ thời còn trên ghế giảng đường, chị đã tham gia làm tình nguyện viên tại một trung tâm cai nghiện. Sau chuyến tình nguyện đó, chị quyết tâm trở thành một người mà có thể giúp đỡ học viên cai nghiện ma túy”.

Những “bông hồng thép” ở trung tâm cai nghiện - 3
Chị Loan thường tổ chức những buổi nói chuyện riêng với những học viên có tâm lý bất ổn để có thể nắm được tâm tư, tình cảm của học viên từ đó định hướng cách điều trị
Những “bông hồng thép” ở trung tâm cai nghiện - 4
Nhiều học viên sau khi được nói chuyện, tâm sự những vấn đề mình gặp phải thì cảm thấy vô cùng thoải mái, an tâm trong công tác điều trị

Trải qua 8 năm gắn bó tại Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa là 8 năm chị được gặp và kết bạn với rất nhiều tay "dân chơi”, “tiểu thư”, “cậu ấm”… với lối sống hưởng thụ, xuống cấp về nhận thức và hành vi do ảnh hưởng của ma túy.

“Bản thân mình lúc đó suy nghĩ “tại sao các em còn trẻ mà dấn thân vào con đường sai lầm sớm vậy”, rồi mình thấy các em tự ti, mặc cảm rất cần một người có thể cùng nói chuyện. Vì thế nên tôi chọn hướng đi này cho mình”, chi Loan chia sẻ.

Hạnh phúc chỉ là lời cảm ơn

Ban đầu, tại môi trường mà bệnh nhân toàn là người nghiện, cô bác sĩ trẻ Trần Thị Lan Chinh khi ấy khá bỡ ngỡ trước những bóng dáng vật vờ của học viên cai nghiện ma túy. Họ không chỉ nghiện ngập, bị cơn thèm thuốc hành hạ mà còn bị suy kiệt do cơ thể yếu ớt vì nghiện lâu ngày. Đôi khi còn phản ứng bất thường khi lên cơn nghiện…

Thế nhưng, sau thời gian làm quen với công việc, cô bác sĩ trẻ Lan Chinh dần nhận ra ý nghĩa công việc của mình, không chỉ là chăm sóc sức khỏe mà còn là đang cứu lại những số phận lầm đường lạc lối.

Những “bông hồng thép” ở trung tâm cai nghiện - 5
Hồi mới về công tác, chị rất sợ, bỡ ngỡ
Những “bông hồng thép” ở trung tâm cai nghiện - 6
Niềm vui lớn nhất của chị là được thấy các học viên từ bỏ ma túy trở về hòa nhập với cuộc sống bình thường

Chị xúc động kể: “Hồi mới về công tác, tôi rất là sợ. Bởi vì đây là lần đầu mình được tiếp xúc với người nghiện, họ khác với những bệnh nhân mà tôi từng tiếp xúc. Nhưng với mong muốn được đóng góp cho xã hội, đồng thời bác giám đốc trung tâm cũng thường xuyên quan tâm, động viên nên đã giúp tôi gắn bó với trung tâm đến tận bây giờ”.

“Đây là môi trường kén chọn bác sĩ, vì trong môi trường này bệnh nhân là những người nghiện, họ sẽ có những rối loạn về hành vi, đặc biệt là sự suy đồi đạo đức do sử dụng chất kích thích lâu ngày. Trong quá trình điều trị, sẽ có những lúc người ta rối loạn, la hét. Có những lúc còn xúc phạm đến mình”, bác sĩ Lan Chinh chia sẻ thêm.

Để có thể làm việc trong môi trường đầy áp lực như vậy, không chỉ vì đam mê mà chị phải tìm được ý nghĩa công việc của mình để có thêm động lực gắn bó, cảm thông với hoàn cảnh của từng học viên…

Chị bảo: “Chị tìm được cái niềm vui khi người bệnh vào đây thì đa phần cũng vì hoàn cảnh đẩy đưa họ vào con đường nghiện. Sau khi hiểu hoàn cảnh của họ, mình có sự cảm thông nhiều hơn thì điều trị tốt hơn”.

“Khi thấy bệnh nhân trở về một con người bình thường, không còn bệnh tật và rối loạn tâm thần, không còn nếp sinh hoạt buông thả, ngông cuồng, trở thành một người hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường… làm mình hạnh phúc, tự hào vì thành quả của mình”, chị Chinh bày tỏ.

Những “bông hồng thép” ở trung tâm cai nghiện - 7
Việc điều trị cho một bệnh nhân liên quan đến ma túy rất phức tạp đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn cao và làm việc trong môi trường chịu nhiều áp lực
Những “bông hồng thép” ở trung tâm cai nghiện - 8
Đối với chị Loan, món quà 20/10 ý nghĩa nhất là lời cảm ơn của các học viên

Còn chị Kim Loan chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất trong cuộc việc của tôi đơn giản lắm, chỉ cần các em học viên thay đổi nhận thức, hành vi và chấp hành các biện pháp điều trị để cai nghiện thành công nhanh chóng trở về hòa nhập với cộng đồng. Đó là niềm vui lớn nhất của bản thân tôi và cũng là của các nhân viên tại đây”.

Khi chúng tôi hỏi chị có mong muốn nào đặc biệt trong ngày 20/10 này không, chị mỉm cười bảo: “Chỉ cần học viên cai nghiện thành công, gửi lại cho anh chị em nhân viên tại đây lời cảm ơn là đã quá hạnh phúc rồi!”.