4 tội danh có thể áp dụng cho hành vi bắt cóc trẻ em

PV

(Dân trí) - Tùy thuộc mục đích phạm tội, người bắt cóc trẻ em có thể bị xử lý về các hành vi chiếm đoạt, mua bán người dưới 16 tuổi, bắt cóc con tin hoặc bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Từ vụ việc Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, quê Tiền Giang) bắt cóc 2 bé gái tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM), độc giả Dân trí đặt câu hỏi về việc theo quy định của pháp luật, hành vi bắt cóc trẻ em có thể bị xử lý về những tội danh nào? Những căn cứ pháp lý nào cần làm rõ để củng cố cho những tội danh đó?

4 tội danh có thể áp dụng cho hành vi bắt cóc trẻ em - 1

Nghi phạm Phạm Huỳnh Nhật Vi trong vụ bắt cóc 2 cháu bé ở TPHCM gây xôn xao dư luận những ngày qua (Ảnh: Thuận Thiên).

Trả lời

Theo quy định của pháp luật hình sự, để xác định trách nhiệm hình sự đối với người bắt cóc trẻ em, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là động cơ, mục đích và ý chí chủ quan của người thực hiện hành vi là gì. Từ căn cứ này, có thể xem xét áp dụng một trong 4 tội danh theo Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:

Thứ nhất, nếu người thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để bắt cóc, chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ trẻ em thì có thể bị xử lý hình sự về tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt cơ bản đối với tội danh này là 3-7 năm tù và cao nhất có thể lên tới 15 năm tù.

Thứ hai, trường hợp người thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em để làm con tin, phục vụ mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015. Với tình tiết định khung phạm tội đối với người dưới 16 tuổi theo khoản 2 Điều này, mức phạt áp dụng là 5-12 năm tù.

Thứ ba, nếu hành vi bắt cóc nhằm mục đích phục vụ việc mua bán người, trong đó bao gồm các hành vi như: Chuyển giao hoặc tiếp nhận trẻ em để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; Chuyển giao hoặc tiếp nhận trẻ em để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hay Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp trẻ em để thực hiện 02 hành vi ở trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán người dưới 16 tuổi theo Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt cơ bản là 7-12 năm tù và cao nhất là tù chung thân.

Thứ tư, nếu hành vi bắt giữ hoặc giam trẻ em nhằm làm con tin để cưỡng ép các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin thì có thể bị xử lý hình sự về tội Bắt cóc con tin theo Điều 301 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu thuộc tình tiết phạm tội với người dưới 18 tuổi theo khoản 2 Điều này, khung hình phạt có thể áp dụng là 3-7 năm tù.

Hoàng Diệu