Bị cấp sổ đỏ sai diện tích, phải làm thế nào?

(Dân trí) - Việc cấp bìa đỏ năm 2019 mà UBND xã vẫn sử dụng số liệu bản đồ năm 1985 khi chưa thực hiện đối chiếu các bản đồ địa chính mới lập gần đây là việc làm chưa phù hợp quy định pháp luật.

Bạn đọc hỏi: Gia đình tôi có 1 thửa đất tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội mà theo bản đồ năm 1985, diện tích thửa là 247m2; bản đồ năm 1995 lại thể hiện thửa đất của gia đình tôi là 312m2.

Năm 2019 sau khi gia đình tôi tình nguyện hiến đất làm đường cho xã, xã đã làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình tôi với diện tích là 247m2 theo tờ bản đồ năm 1985.

Vậy luật sư cho tôi hỏi, với trường hợp của gia đình tôi xã sử dụng bản đồ năm 1985 với diện tích 247m2 để đề xuất UBND huyện cấp bìa đỏ cho gia đình tôi là đã làm đúng luật hay chưa?

Bị cấp sổ đỏ sai diện tích, phải làm thế nào? - 1
Luật sư Quách Thành Lực

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX cho biết: Hồ sơ địa chính là tập hợp tài liệu thể hiện thông tin chi tiết về hiện trạng và tình trạng pháp lý của việc quản lý, sử dụng các thửa đất, tài sản gắn liền với đất để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai và nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tài liệu điều tra đo đạc địa chính gồm bản đồ địa chính và sổ mục kê đất đai thuộc thành phần hồ sơ địa chính.

Hồ sơ địa chính làm cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác định quyền và nghĩa vụ của người được Nhà nước giao quản lý đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Trường hợp có sự không thống nhất thông tin giữa các tài liệu của hồ sơ địa chính thì phải thực hiện kiểm tra, đối chiếu các tài liệu trong hồ sơ địa chính và hồ sơ thủ tục đăng ký để xác định thông tin có giá trị pháp lý làm cơ sở chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính.

Bản đồ địa chính được lập khoảng thời gian năm 1985 được thực hiện theo Chỉ thị 299/Ttg ngày 10 tháng 11 năm 1980 do Thủ tướng chính phủ ban hành về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước.

Tuy nhiên do những hạn chế về con người, phương tiện đo đạc thủ công nên độ chính xác về hình thể, diện tích thửa đất có sai số rất lớn. Với những lý do đó bản đồ địa chính được lập theo Chỉ thị 299/Ttg không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thường được sử dụng để tham khảo về thời điểm sử dụng đất mà không phải là cơ sở xác định diện tích, mốc giới thửa đất.

Luật sư Lực khẳng định, như vậy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2019 mà trong thành phần hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cá nhân UBND xã vẫn sử dụng số liệu bản đồ năm 1985 khi chưa thực hiện đối chiếu các bản đồ địa chính mới lập gần đây, không thống nhất số liệu địa chính là việc làm chưa phù hợp quy định pháp luật.

Thủ tục đính chính thông tin khi Sổ đỏ bị sai
Theo Điều 86 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, khi Sổ đỏ bị sai thông tin thì thực hiện thủ tục đính chính theo các bước sau:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ giấy tờ

- Bản gốc Sổ đỏ đã cấp

-Trường hợp do lỗi của cơ quan cấp Sổ thì chỉ cần nộp bản gốc Sổ đỏ đã cấp và yêu cầu cơ quan đó sửa lại thông tin.

Bước 2. Nộp hồ sơ

Hộ gia đình, cá nhân là người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ cho Văn phòng đăng ký đất đai để được đính chính.

Bước 3. Xử lý yêu cầu đính chính

- Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót;

- Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Sổ đỏ đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

Bước 4. Trả kết quả

Văn phòng đăng ký đất đai trao Sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân.

Thời gian đính chính thông tin

- Thời hạn thực hiện do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP).

- Sau khi có kết quả đính chính thông tin Sổ đỏ thì phải trả Sổ cho hộ gia đình, cá nhân trong thời hạn 03 ngày làm việc

Lưu ý:

- Thời gian đính chính thông tin không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

- Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày.

Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết.

Lệ phí (nếu có)

- Lệ phí: Mức thu do HĐND cấp tỉnh quyết định.

- Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn không phải nộp lệ phí địa chính.

Xin cảm ơn Luật sư!