Nhà hàng bị "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới, người đặt “chạy làng” liệu có thoát?

Anh Thế

(Dân trí) - “Nếu vụ “bom cỗ cưới" nhằm cố tình gây thiệt hại đến tài sản của chủ nhà hàng thì là hành động này vừa đáng bị lên án về mặt đạo đức, vừa vi phạm pháp luật”, luật sư Quách Thành Lực nhận định.

Ngày 30/9, trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh và câu chuyện hy hữu, về một nhà hàng bị khách "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới tại địa bàn phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Theo nội dung đăng tải: "Kêu gọi giải cứu cỗ bị bom. Mọi người ơi. Mọi người làm ơn làm phúc cứu giúp nhà hàng... Chủ hàng bị bỏ bom 150 mâm cỗ. Giờ không dâu rể, không khách không người nhà. Nhà hàng nhỏ không đủ chỗ nên họ còn nhờ hàng xóm cho bắc rạp nhờ".

Ngay sau khi sự việc được đăng tải lên mạng xã hội, đã có rất nhiều người bày tỏ sự bất ngờ đối với vụ việc.

Nhà hàng bị bỏ bom 150 mâm cỗ cưới, người đặt “chạy làng” liệu có thoát? - 1

Nhà hàng bị "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới trên địa bàn phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ (Ảnh: Kim Anh).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện nhà hàng T.P. xác nhận sự việc và cho biết, hiện đã trình báo sự việc lên cơ quan công an để giải quyết.

"Cách đây khoảng 1 tuần nhà hàng có nhận được yêu cầu từ phía khách hàng làm 150 mâm cỗ cưới. Theo đúng lịch đặt thì vào chiều nay họ sẽ đến để dự tiệc. Nhưng đến giờ tiệc, phía nhà hàng không thấy bất kỳ một ai đến dự tiệc cưới nên đã trình báo sự việc lên cơ quan công an", vị đại diện nhà hàng chia sẻ.

Cũng theo người đại diện nhà hàng, trước khi đặt 150 mâm cỗ, phía khách hàng đã đặt cọc 30 triệu đồng. Tổng số tiền 150 mâm cỗ trị giá khoảng hơn 200 triệu đồng.

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp luật, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Dù hai bên chỉ có sự trao đổi bằng lời nói về việc đặt 150 mâm cỗ, tuy nhiên theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 về hình thức của giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể nên thỏa thuận bằng lời nói này đã đủ điều kiện xác định là một giao dịch, hợp đồng dân sự giữa người đặt cỗ và nhà hàng làm cỗ.

Nhà hàng bị bỏ bom 150 mâm cỗ cưới, người đặt “chạy làng” liệu có thoát? - 2

Nội dung chia sẻ trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).

Hợp đồng trên được coi là hợp đồng song vụ. Ở đó, mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau. Khi hợp đồng được giao kết có giá trị pháp lý buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Bên nhà hàng đã thực hiện nghĩa vụ chuẩn bị cỗ, người đặt cỗ có nghĩa vụ tiếp nhận dịch vụ và thanh toán chi phí cho nhà hàng.

Điều 410 Bộ luật dân sự về thực hiện hợp đồng song vụ quy định: “Trong hợp đồng song vụ, khi các bên đã thỏa thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình”.

Hành vi không thanh toán và nhận hàng đã đặt của người đặt hàng theo quy định của pháp luật dân sự là hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng. Nhà hàng có quyền căn cứ quy định Điều 351 Bộ luật dân sự buộc bên vi phạm trả tiền mà nhà hàng đã bỏ ra làm cỗ, căn cứ Điều 357 về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền để yêu cầu tiền lãi.

Ngoài ra, nhà hàng có quyền căn cứ vào Điều 360, Điều 361 Bộ Luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ để buộc bên đặt cỗ của nhà hàng phải bồi thường toàn bộ các thiệt hại, tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút”.

Nhà hàng bị bỏ bom 150 mâm cỗ cưới, người đặt “chạy làng” liệu có thoát? - 3

Luật sư Quách Thành Lực nhận định người đặt cỗ khó "chạy làng".

Theo luật sư Lực, cách phản ứng của nhà hàng khi khách hàng không đến ăn cỗ bằng cách bán lại cỗ đã nấu với giá rẻ hơn là việc làm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 355 Bộ luật dân sự: “Đối với tài sản có nguy cơ bị hư hỏng thì bên có nghĩa vụ có quyền bán tài sản đó và phải thông báo ngay cho bên có quyền, trả cho bên có quyền khoản tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ chi phí hợp lý để bảo quản và bán tài sản đó”.

Do đó, nếu chủ nhà hàng và khách không thỏa thuận được về việc thanh toán tiền theo hợp đồng thì có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân để giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự và buộc bên vi phạm phải có trách nhiệm.

“Đây quả thật là một vụ việc hy hữu, phía nhà hàng đã giao kết, thực hiện hợp đồng với tinh thần hợp tác, thiện chí, trung thực, dù rơi vào tình huống hết sức bất ngờ nhưng vẫn nỗ lực khắc phục tối đa các thiệt hại. Đây là một nhà hàng có tinh thần phục vụ rất đáng hoan nghênh. Phía bên người đặt hàng nếu vì nguyên nhân không tổ chức được đám cưới mà không có thông báo cũng thực sự rất đáng trách. 

Còn nếu trong trường hợp đây là hành động “bom cỗ cưới”, cố tình gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của chủ hàng hàng thì là hành động đáng bị lên án về mặt đạo đức, hành vi vi phạm pháp luật cần được cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại”, luật sư Lực bày tỏ.