Nhịp cầu bạn đọc số 10: Hàng trăm cư dân chung cư Green House CT17 phẫn nộ

(Dân trí) - Xã Nghĩa An, Nam Trực, Nam Định vay tiền người dân gần 20 năm "quên" không trả; Cư dân chung cư nhà B phường Xuân Đỉnh, chung cư Green House CT17 phẫn nộ... là nội dung đơn thư bạn đọc phản ánh.

Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của các cư dân đang sinh sống tại cụm nhà chung cư Green House CT17 Khu đô thị Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Đơn kêu cứu phản ánh: Dự án cụm nhà chung cư Green House CT17 Khu đô thị Việt Hưng do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản HUDLAND (Mã số doanh nghiệp: 0102340326, Trụ sở: Toà nhà Hudland, số 6 Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) là Chủ đầu tư.

Ngày 09/8/2019, UBND quận Long Biên ban hành Quyết định số 2355/QĐ-UBND công nhận Ban quản trị cụm nhà chung cư Green House CT17 Khu đô thị Việt Hưng nhiệm kỳ 2019 – 2022 gồm 09 thành viên.

“Tuy nhiên, kể từ khi được công nhận tư cách Ban quản trị cụm nhà chung cư, một số thành viên Ban quản trị nhiệm kỳ 2019 – 2022 đã thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm Quy chế hoạt động, thu chi tài chính của Ban quản trị và quy định pháp luật, gây mất ổn định hoạt động tại nhà chung cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cư dân đang sinh sống tại cụm nhà chung cư, cụ thể:

Thứ nhất, Ban quản trị thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư

Trong khi Hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý và vận hành số 0101/2017HĐDV/BQT.CT17.HUDLANDTS ngày 26/12/2016 ký giữa Ban quản trị nhiệm kỳ 2016 - 2019 với Công ty Cổ phần HUDLAND Thương mại dịch vụ đang còn hiệu lực thì Ban quản trị đã tự ý làm việc, thỏa thuận với Công ty Cổ phần HUDLAND Thương mại và Dịch vụ thanh lý Hợp đồng dịch vụ quản lý và vận hành số 0101/2017HĐDV/BQT.CT17.HUDLANDTS và tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị quản lý vận hành khi chưa lấy ý kiến thông qua tại Hội nghị cụm nhà chung cư bất thường. Hành vi vi phạm quy định pháp luật này của Ban quản trị đã được UBND quận Long Biên kết luận tại Văn bản số 448/UBND-QLĐT ngày 16/3/2020.

Thứ hai, Ban quản trị có hành vi tiến hành ký Hợp đồng bảo trì các hạng mục sở hữu chung nhà chung cư như Hợp đồng bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy, thang máy, nạo vét cống thoát, hút bể phốt và sử dụng kinh phí bảo trì khi chưa thông qua kế hoạch bảo trì năm 2019 - 2020 theo quy định

Trong khi kế hoạch bảo trì nhà chung cư chưa được Hội nghị thông qua và các hạng mục sở hữu chung vừa được thực hiện cách đây 2 - 3 tháng, việc bảo trì không phải là đột xuất hoặc hư hỏng do thiên tai, hỏa hoạn do các hạng mục vẫn hoạt động bình thường nhưng Ban quản trị lại tự ý ký kết Hợp đồng bảo trì với các đơn vị bảo trì với đơn giá cao hơn so với các năm trước. Hành vi này của Ban quản trị có dấu hiệu vi phạm quy định về thu chi kinh phí bảo trì, quản lý, vận hành nhà chung cư và gây thất thoát kinh phí bảo trì của cụm nhà chung cư.

Thứ ba, Ban quản trị có hành vi không công khai các khoản thu, chi kinh phí bảo trì và quỹ cộng đồng (quỹ kết dư) theo quy định

Thứ tư, Ban quản trị thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm Quy chế hoạt động và thu chi tài chính Ban quản trị đối với các Hợp đồng tiền gửi kinh phí bảo trì

Thứ năm, Ban quản trị có hành vi tự ý ký Hợp đồng cho thuê phần diện tích sử dụng chung nhà chung cư không thông qua ý kiến của cư dân”, đơn thư cho biết.

Báo Dân trí kính đề nghị UBND TP Hà Nội, Quận uỷ - UBND quận Long Biên, UBND phường Việt Hưng kiểm tra, làm rõ, xử lý và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của tập thể các hộ dân tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh về quyết định cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp số 7825/QĐ-UBND của UBND huyện Yên Phong.

Nội dung đơn như sau: “Các gia đình chúng tôi là chủ sử dụng hợp pháp một số diện tích đất nông nghiệp tại thôn Mẫn Xá. Ngày 11/5/2017 UBND huyện Yên Phong ban hành cùng lúc 02 quyết định: 1600a/QĐ-UBND v/v phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất để giao cho Công ty CP tập đoàn Hanaka thực hiện (đợt 1); QĐ 1627a/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn.

Tháng 2/2018, UBND huyện ban hành QĐ 1818/QĐ-UBND ngày 08/02/2018 v/v phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ GPMB khi thu hồi đất để giao cho Công ty HAnaka (đợt 2).

Chúng tôi luôn ủng hộ, hợp tác với chủ trương, chính sách của Nhà nước, tuy nhiên, UBND huyện Yên Phong không thực hiện đúng về trình tự, thủ tục thu hồi đất, không đảm bảo về mức giá bồi thường, hỗ trợ nên chúng tôi chưa nhận tiền bồi thường và chưa bàn giao đất. Ngày 26/6/2020, UBND huyện ban hành QĐ cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp, chúng tôi không đồng ý vì những lý do sau:

Thứ nhất, gia đình chúng tôi là chủ sử dụng hợp pháp số diện tích đất bị thu hồi, UBND huyện đền bù theo mức giá quá thấp.

Thứ hai, khi chưa được sự đồng ý của người dân, họ tự ý đổ cát, san nền, làm hạ tầng trên đất nông nghiệp của chúng tôi bất chấp quy định của pháp luật.

Thứ ba, trình tự, thủ tục cưỡng chế không đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Từ những lý do trên, chúng tôi kiến nghị UBND huyện Yên Phong có chính sách bồi thường, hỗ trợ đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân".

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Yên Phong xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của Ban quản trị Chung cư nhà B (Tổ Xuân lộc 4, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà nội) đại diện các hộ dân sống tại chung cư nhà B tổ Xuân Lộc 4.

Đơn có nội dung: “Chung cư nhà B được xây dựng năm 2004, đưa vào sử dụng 2006 do Công ty Cổ phần xây dựng số 2 (nay chuyển thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2) làm chủ đầu tư và giao cho Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ đô thị VINA2.2 (VINA2.2) tổ chức quản lý, vận hành chung cư nhà B Xuân Đỉnh.

Hiện nay Chủ đầu tư vẫn đang quản lý, vận hành tòa nhà, việc chủ đầu tư chỉ biết khai thác mà không bảo trì tòa nhà, là nguyên nhân trực tiếp gây ra các hậu quả hiện nay: Tường nhà bị thấm dột từ bể chứa tầng 6 xuống các tầng của tòa nhà, hệ thống bể phốt và hệ thống nước thải sinh hoạt của tòa nhà từ khi xây dựng cho đến nay chưa được thông hút, bể phốt nứt vỡ ngấm vào bể ngầm chứa nước ăn của tòa nhà làm cho cư dân vô cùng hoang mang và bức xúc.

Từ năm 2019 cư dân nhà B phản ánh với Ban quản trị tòa nhà về nguồn nước sinh hoạt của chung cư có mùi lạ, hôi thối, bẩn đục, cắn đọng và ngày càng ô nhiểm nặng hơn, ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của cư dân (từ nước ăn, tắm, rửa sinh hoạt) dẫn đến một số cư dân bị đau mắt, tiêu chảy, dị ứng làm đảo lộn sinh hoạt của từng hộ dân nói riêng và toàn bộ cuộc sống cư dân chung cư nhà B nói chung.

Ban quản trị chung cư nhà B đã yêu cầu đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà (VINA2.2) tìm nguyên khắc phục, sửa chữa nhưng đơn vị này phớt lờ và không thực hiện yêu cầu của Ban quản trị tòa nhà, dẫn đến nước sinh hoạt của tòa nhà ngày càng bốc mùi hôi thối, cắn đục, tình trạng bị ô nhiễm ngày càng nặng. Ban quản trị tòa nhà đã tổ chức họp cư dân thống nhất tự thau rửa bể chứa nước trên tầng 6 của tòa nhà, nhằm khắc phục tạp thời tình trạng ô nhiễm nước sinh hoạt của cư dân.

Đến đầu tháng 07/2020 hiện tượng mùi hôi thối, cắn bẩn của nước sinh hoạt nhà B lại như năm 2019, Ban quản trị tòa nhà cùng đại diện một số hộ dân đi kiểm tra hệ thống nước sinh hoạt phát hiện bể nước ngầm tầng 1 (Dưới nền nhà phòng B102) bị ô nhiểm nặng, nguyên nhân là do ngấm nước thải từ bể phốt và nước thải sinh hoạt của tòa nhà vào bể chứa nước ngầm gây hiện tượng mùi hôi thối, cắn đục như đã nêu trên. Hậu quả này là do nguyên nhân trực tiếp VINA2 xây dựng trái phép 2 căn hộ (B109, B110) có bể phốt ngay bể chứa nước ngầm của chung cư.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Sở Xây dựng TP Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND phường Xuân Đỉnh xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Mai Văn Phong, trú tại xóm 1 xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, kiến nghị việc UBND xã Nghĩa An vay 116.400.000đ của gia đình ông từ năm 2006 đến nay vẫn chưa trả.

Nội dung đơn như sau: “Năm 2004, 2005, 2006 xã Nghĩa An có xây dựng mới 2 trường mầm non và mở rộng khuôn viên trường tiểu học để đạt chuẩn quốc gia. Do điều kiện kinh phí của địa phương chưa có để trả tiền đền bù, thu hồi đất của dân nên UBND xã Nghĩa An có đề nghị vay của gia đình tôi số tiền là 116.400.000đ, gia đình tôi đồng ý cho xã vay và không tính lãi với điều kiện khi công trình đưa vào sử dụng là phải trả cho gia đình tôi số tiền trên.

Nhưng thật éo le, sau khi các công việc đã hoàn thành, gia đình tôi có ý kiến với xã để xin lại số tiền đã vay thì xã trả lời là chưa rút được tiền. Cứ thế, hết năm này qua năm khác mà UBND xã không trả cho gia đình tôi, đến nay là 14 năm.

Quá bức xúc, tháng 6/2018, gia đình tôi làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Nam Trực, đến ngày 10/10/2018 đã mở phiên xét xử buộc UBND xã Nghĩa An phải trả cho gia đình tôi số tiền trên.

Nhưng từ khi bản án có hiệu lực đến nay, gia đình tôi vẫn chưa nhận được số tiền đó, rất nhiều đơn thư được gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh nhưng đều  được trả lời chung chung cho xong việc.

Hai vợ chồng tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi, bị di chứng chất độc da cam khi tham gia bộ đội, vợ tôi bị bệnh hiểm nghèo sự sống tính từng ngày; các con cháu đều ở xa không thể giúp đỡ…”

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Nam Định, UBND huyện Nam Trực, UBND xã Nghĩa An xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.