Rút súng nhựa “dằn mặt” 2 phụ nữ: Gã đàn ông “nghịch dại” trước pháp luật!

Anh Thế

(Dân trí) - Ngay cả khi khẩu súng sử dụng là súng giả nhưng chỉ cần có hành vi đe dọa giết người, người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì đã đủ yếu tố cấu thành hành vi phạm tội.

Hai phụ nữ bị người đàn ông rút súng thị uy giữa ban ngày

Ngày 7/10, mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông rút vật giống súng ra thị uy với nội dung: “Dạo này chỉ cần xưng là cán bộ là rút súng hăm doạ dễ dàng quá”.

Qua tìm hiểu, vụ việc xảy ra trên đường Trung Mỹ - Tân Xuân, ấp Vạn Hạnh, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TPHCM vào chiều ngày 3/10.

Hai phụ nữ bị người đàn ông thị uy là bà Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1962) và chị gái bà Dung là bà Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1958).

Rút súng nhựa “dằn mặt” 2 phụ nữ: Gã đàn ông “nghịch dại” trước pháp luật! - 1

Camera an ninh ghi lại cảnh người đàn ông rút vật nghi là súng từ trong người ra. (Ảnh cắt từ clip)

Kể lại sự việc với phóng viên, bà Dung cho biết, chiều ngày 3/10, bà cùng chị gái đang bán dưa chua thì có người đàn ông đi xe máy đến nhà của người phụ nữ hàng xóm bên cạnh.

Sau đó, người đàn ông này đập vào yên xe máy, lớn tiếng chửi 2 chị em bà Dung. Khi bà Dung lấy điện thoại ra chụp hình thì người đàn ông rút vật giống súng từ lưng quần ra lên đạn rồi lại cất đi.

Đại diện Công an xã Trung Chánh thông tin với bà Dung, người đàn ông xuất hiện trong clip tên L., là nhân viên bảo vệ, có nơi cư trú ổn định và khẩu súng mà ông L. sử dụng là súng nhựa nên không bị tạm giữ.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Để xác định hành vi của người đe dọa có phải là hành vi đe dọa giết người hay không cần phải xác minh các yếu tố: thái độ, mong muốn, ý chí của người này có phải dọa giết người hay không, lời lẽ sử dụng khi đe dọa giết người…

Hành đe dọa giết người được coi là tội phạm khi có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện và được xác minh thông qua các yếu tố: tâm lý, lời khai của người bị hại có thực sự lo sợ, đủ yếu tố lo sợ hành vi giết người hoàn toàn có thể thực hiện được từ phía người đe dọa.

Rút súng nhựa “dằn mặt” 2 phụ nữ: Gã đàn ông “nghịch dại” trước pháp luật! - 2

Luật sư Quách Thành Lực phân tích hành vi rút súng giả đe doạ người khác.

Hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lý lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra. Hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó đã làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Để đánh giá người bị đe dọa có phải ở trong tình trạng tâm lý như vậy hay không cần phải dựa vào những tình tiết sau: Nội dung và hình thức đe dọa; thời gian, địa điểm cũng như hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa xảy ra; tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa; thái độ và những xử sự cụ thể của người bị đe dọa sau khi bị đe dọa…

Trong vụ việc này, lời khai, thái độ tâm lý của người bị hại có yếu tố quyết định việc người đàn ông có dấu hiệu phạm tội đe dọa giết người để từ đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không. Ngay cả khi khẩu súng sử dụng là súng giả, súng không có khả năng gây sát thương nhưng theo cấu thành của tội danh đe dọa giết người mô tả thì chỉ cần có hành vi đe dọa giết người, người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì đã đủ yêu tố cấu thành hành vi phạm tội.

Điều 133. Tội đe dọa giết người:

- Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

+ Đối với người dưới 16 tuổi;

+ Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.