Bài 16:

Sông Cầu “giãy chết”, Chủ tịch 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cùng sốt sắng!

(Dân trí) - Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh vừa tiếp tục chỉ đạo hàng loạt sở ngành, các huyện phải vào cuộc ngay giải cứu sông Cầu. Trong khi đó, sông Đuống tại tỉnh này cũng bị 2 doanh nghiệp “bóp cổ”, chặn dòng.

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang gửi công văn, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh ra tiếp chỉ đạo

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Công văn số 921/UBND-NN.TN do ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch ký.

Công văn cho biết: Căn cứ văn bản số 1163/UBND-MT ngày 25/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc phối hợp giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở: NN&PTNT, Xây dựng, Công an tỉnh, UBND các huyện Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ, TX Từ Sơn và TP Bắc Ninh và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế, phối hợp cùng Sở TN&MT Bắc Giang và các cơ quan liên quan của tỉnh Bắc Giang xử lý sự việc trên, báo cáo UBND tỉnh Bắc Ninh trước ngày 15/4/2020.

Sông Cầu “giãy chết”, Chủ tịch 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cùng sốt sắng! - 1

Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo giải cứu sông Cầu sau khi nhận được công văn của Chủ tịch tỉnh Bắc Giang.

Trước đó, ngày 27/2, UBND tỉnh Bắc Ninh có Công văn số 521/UBND NN-TN do ông Trịnh Hữu Hùng, Chánh văn phòng ký về việc xử lý hiện tượng cá chết trên sông Cầu. Công văn cho biết, xét đề nghị của Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh về tình trạng ô nhiễm sông Cầu, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu: 

Sở NN&PTNT tiếp tục có giải pháp điều tiết nước tại cống Đặng Xá (Vạn An) đảm bảo nước mặt sông Cầu trong giới hạn cho phép để sử dụng cho các trạm nước sạch phục vụ nhân dân địa phương.

Yêu cầu Công an tỉnh Bắc Ninh tăng cường trình sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất có hoạt động xả thải không qua xử lý ra sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu, báo cáo kết quả hàng tháng với Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh.

UBND TP Bắc Ninh phải sớm hiệu chỉnh giai đoạn I của hệ thống xử lý nước thải làng nghề Phong Khê để đảm bảo xử lý nước thải tăng công suất thiết kế và quy chuẩn môi trường.

Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu TP Bắc Ninh phải thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường của làng nghề để yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh ký cam kết đấu nối toàn bộ nước thải phát sinh và nộp tiền xử lý nước thải theo quy định; Tổ chức thu phí xử lý nước thải của các cơ sở đấu nối với hệ thống nước thải tập trung, vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải một cách có hiệu quả; Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Sông Cầu “giãy chết”, Chủ tịch 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cùng sốt sắng! - 2

Sông Ngũ Huyện Khê, nơi đổ ra sông Cầu, đã hoàn toàn trở thành một dòng sông chết.

Sông Cầu “giãy chết”, Chủ tịch 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cùng sốt sắng! - 3

Cá thường xuyên chết trắng sông Cầu.

UBND TX Từ Sơn tiếp tục triển khai giai đoạn II dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải TX Từ Sơn (xử lý nước thải cho các làng nghề, CCN trên địa bàn).

UBND huyện Tiên Du phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, yêu cầu các cơ sở đầu tư xây dựng và vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn Việt Nam hiện hành; Đôn đốc nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải cho CCN Phú Lâm đảm bảo nước thải nầày phải được xử lý đúng quy định.

Cùng đó, các sở ngành theo chức năng kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất về bảo vệ môi trường, đất đai, phòng cháy chữa cháy, xây dựng… Tiến hành đình chỉ hoạt động đối với cơ sở sản xuất vi phạm các quy định của pháp luật.

Sông Cầu “giãy chết”, Chủ tịch 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cùng sốt sắng! - 4
Sông Cầu “giãy chết”, Chủ tịch 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cùng sốt sắng! - 5

Cụm công nghiệp Phú Lâm, một trong những "thủ phạm" bức tử sông Cầu.

Sông cầu đã “giãy chết”, đừng để kẻ ác “bóp cổ” sông Đuống trục lợi!

Trong một diễn tiến khác, ngày 17/3/2020, ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Ninh ký văn bản gửi UBND huyện Tiên Du về việc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trên bãi sông Đuống, xã Tri Phương, huyện Tiên Du.

Theo đó, ngày 21/02/2020, UBND huyện Tiên Du có văn bản số 129/UBND-CV và 130/UBND-TNMT; văn bản số 01/CV-CTNĐ ngày 05/01/2020 của Công ty TNHH Nam Đạt và văn bản số 09/CV-CPXD ngày 22/01/2020 của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tuấn Hùng gửi Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh về việc đề nghị cấp phép xây dựng bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng ở ngoài bãi sông tương ứng với vị trí thuộc đoạn từ K23+960 đến K24+100 và L24+100 đến K24+300 đê tả Đuống, xã Tri Phương, huyện Tiên Du kèm theo hồ sơ xin cấp phép.

Tuy nhiên, qua công tác quản lý và kiểm tra hiện trường, ngày 10/3/2020 Sở NN&PTNT Bắc Ninh nhận thấy: Tại vị trí bãi sông tương ứng K23+960 đến K24+100 và K24+100 đến K24+300 đê tả Đuống, thôn Cao Đình, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, Công ty TNHH Nam Đạt và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tuấn Hùng đã xây dựng các hạng mục nhà điều hành, nhà xưởng, chôn cột điện…

Sông Cầu “giãy chết”, Chủ tịch 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cùng sốt sắng! - 6
Sông Cầu “giãy chết”, Chủ tịch 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cùng sốt sắng! - 7

Dù đã được Hạt quản lý đê Tiên Du lập biên bản và kiến nghị chính quyền địa phương xử lý vì vi phạm pháp luật về đê điều, nhưng 2 doanh nghiệp vẫn được "ưu ái" đề xuất cấp giấy phép xây dựng

Đây là hành vi vi phạm pháp luật về đê điều gây cản trở dòng chảy và thoát lũ đã được Hạt quản lý đê điều Tiên Du lập biên bản và kiến nghị chính quyền địa phương xử lý.

Để thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đê điều, Sở NN&PTNT Bắc Ninh đã đề nghị UBND huyện Tiên Du chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, tổ chức xử lý dứt điểm hành vi vi phạm nêu trên của Cty Nam Đạt và Cty Tuấn Hùng.

Đồng thời Sở NN&PTNT Bắc Ninh cũng "gợi mở": Sau khi xử lý vi phạm xong, Sở NN&PTNT sẽ xem xét đề nghị UBND tỉnh cấp phép xây dựng bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng ở ngoài bãi sông theo đề nghị.

luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường ngoài việc xử lý nghiêm theo quy định pháp luật thì các cơ quan chức năng cần phải đưa vào danh sách tổ chức hạn chế hoặc không đủ điều kiện được nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án theo koản 3 điều 58 Luật đất đai năm 2013.

Hành vi vi phạm môi trường, vì trục lợi mà bất chấp hậu quả môi trường của các cá nhân, tổ chức chỉ bị hạn chế khi cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, dứt khoát đúng quy định pháp luật.

Còn nếu như hiện nay cơ quan chức năng có biểu hiện bao che, làm ngơ, cố tình làm giảm nhẹ hậu quả vi phạm thậm chí là “hà hơi tiếp sức” để vi phạm xảy ra thì tất yếu môi trường sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng không thể khắc phục. Khi môi trường bị hủy hoại dịch bệnh sẽ liên tiếp xảy ra, đời sống dân sinh xáo trộn làm bất ổn xã hội gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ trương và sự quyết tâm đảm bảo an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Ngọc Hân