Từ vụ "3 quả dứa giá 50.000 đồng": Đề xuất bán hàng rong cần niêm yết giá

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Ở các nước phát triển, niêm yết giá bán là việc bắt buộc. Biện pháp này cũng phòng ngừa tốt việc người bán hàng rong chặt chém, bán mỗi người khách một giá!".

Ngày 27/4, mạng xã hội lan truyền clip nội dung tố cáo người phụ nữ bán hàng rong tại Hà Nội "chặt chém" du khách nước ngoài khi bán 3 quả dứa với giá 500.000 đồng. Tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã triệu tập bà T. (56 tuổi, người bán hàng rong) cùng một số nhân chứng tới làm việc. 

Qua xác minh, công an xác định tối 27/4, bà T. bán một túi dứa gọt sẵn cho 2 nữ du khách da màu với giá 50.000 đồng. Sau khi đưa tờ 500.000 đồng và nhận về 450.000 đồng tiền thừa, 2 vị khách đòi tự lấy thêm 2 quả chưa gọt nhưng bà T. không đồng ý, dẫn đến to tiếng. Một trong hai nữ du khách đã hất đồ đạc của bà T. trên xe xuống đất. Sau khi được người dân can ngăn, người bán hàng rong đã trả lại tiền và không bán hàng cho 2 nữ du khách. 

Vụ việc khiến dư luận chia rẽ làm 2 luồng quan điểm trái chiều. Trong khi nhiều người cho rằng dù con số chỉ là 50.000 đồng nhưng đây vẫn là cái giá quá "chát" cho một túi dứa gọt sẵn thì ở chiều ngược lại, không ít người ủng hộ người bán hàng rong và bày tỏ sự bất bình trước cách hành xử vô văn hóa của 2 nữ du khách nước ngoài. 

Từ vụ 3 quả dứa giá 50.000 đồng: Đề xuất bán hàng rong cần niêm yết giá - 1

Mâu thuẫn giữa du khách và người bán hàng xuất phát từ túi dứa trị giá 50.000 đồng. (Ảnh: Cắt từ clip).

"Khách du lịch cũng có nhiều thể loại"

Bình luận về sự việc, độc giả Mai Văn Dương viết: "Hai vị khách xử sự như vậy là không được. Tây có nhiều thể loại người lắm, có những ông bà tây còn kỳ kèo mua bán. Lẽ ra phải phạt cảnh cáo 2 bà tây kia về hành vi gây rối trật tự công cộng, hất đồ của người ta xuống đất. Người Việt mà du lịch ở các nước văn minh, ứng xử như vậy là bị phạt ngay. Còn với tôi, 50.000 đồng không phải chặt chém gì, cốc nước mía có nơi còn 40.000 đồng rồi kìa". 

Có chung sự bức xúc, người dùng Linh viết: "Khách du lịch giờ nhiều người văn hóa rất kém, còn có cả ăn trộm, ăn cắp, rồi cả giả vờ ăn xin. Đối với tôi, 50.000 đồng/túi là bình thường, bởi còn phải tính cả công người ta cắt gọt và đi bán nữa. Cần xử phạt những người tuyên truyền thông tin sai sự thật, đồng thời phạt cả 2 cô gái da màu do vi phạm quy định về trật tự công cộng. Tưởng không biết tiếng rồi muốn làm gì thì làm sao?". 

"Dứa khoảng 17.000 đồng/kg, tính thêm công gọt vỏ, cắt, rửa, bọc kèm muối ớt, ướp lạnh, đẩy đi bán thì theo tôi giá như vậy không đắt lắm. Mới đầu xem tin tức thì tưởng bà hàng rong "chém" đẹp chị da màu, bây giờ có thông tin chính xác, đúng là bà hàng rong bị oan còn chị kia thì cũng quá quắt lắm", chủ tài khoản Nguyen TT nêu quan điểm ủng hộ với người phụ nữ bán hàng rong. 

"Vấn đề là người ta đã nói giá trước rồi, và thực ra ở phố cổ hay những điểm du lịch thì không bao giờ có thể bằng giá chợ gần nhà được. Còn về 2 chị khách kia thì cách cư xử của họ thực sự quá đáng", chủ tài khoản Hương Quế Dân Vũ bình luận. 

"Bạn du khách không những làm quá mà còn hất đổ cả đồ của người ta. Quá quắt, đến du lịch ở 1 nước lạ mà tưởng thế là hay", "Khách nước ngoài không phải ai cũng đều lịch sự, trung thực. Đề nghị bà con cảnh giác"... hàng loạt ý kiến của độc giả Dân trí bày tỏ sự bất bình trước cách hành xử thô lỗ của 2 nữ du khách. 

Từ vụ 3 quả dứa giá 50.000 đồng: Đề xuất bán hàng rong cần niêm yết giá - 2

Bà T. làm việc với công an (Ảnh: Công an cung cấp)

Giải pháp nào để quản lý những người bán hàng rong? 

Dù con số chính xác là 50.000 đồng thay vì 500.000 đồng như đồn đoán ban đầu, nhiều người vẫn cho rằng đây là cái giá đắt cho một túi dứa. Từ đó, độc giả đã gợi ý những giải pháp để cơ quan có thẩm quyền có thể quản lý những người bán hàng rong, đảm bảo trật tự xã hội cũng như hình ảnh của du lịch Việt Nam. 

"Có những chuyện khá đơn giản, nhưng người làm du lịch, quản lý du lịch hoặc đang không đủ năng lực, hoặc không có thời gian thực hiện. Đơn cử như việc bắt buộc người bán hàng rong phải có bảng giá niêm yết, mỗi người bán phải có thẻ, còn không thì không được bán, vậy là quản lý được thôi", độc giả Hoàng Nguyễn gợi ý. 

Lấy ví dụ từ bài học của du lịch nước ngoài, anh Toni Vu viết: "Ở các nước phát triển, niêm yết giá bán là việc bắt buộc. Biện pháp này cũng phòng ngừa tốt việc chặt chém, bán mỗi người khách một giá!". 

Đồng quan điểm, chị Lam Huong viết: "Cần tuyên truyền mạnh mẽ. Đặc biệt bán hàng rong trong những khu vực đó phải có treo niêm yết giá, đồng thời xử phạt nặng những hành vi không chuẩn mực khi bán hàng". 

"Không chỉ khách tây, mình ở Phú Xuyên (Hà Nội) lên phố cổ vẫn bị đội bán hàng rong chém đẹp, dù cùng cảnh nhà quê với nhau. "Đội hình" này phải mạnh tay dọn dẹp, xử lý những hành vi chặt chém, siết chặt quản lý để không làm xấu hình ảnh du lịch Thủ đô", người dùng Trần Giới viết. 

"Quản lý nạn chặt chém khách hàng ở phố cổ Hà Nội quá đơn giản. Bắt tất cả người bán hàng rong phải đeo thẻ bán hàng có ảnh, mã số và họ tên rõ ràng. Ai vi phạm cứ để khách họ chụp lại thẻ và mặt người bán, kèm theo giá bán tại thời điểm đó rồi gửi về phường để xử lý nghiêm. Đảm bảo như vậy không ai dám tái diễn", ý kiến tới từ chủ tài khoản Hùng Phan. 

Còn với độc giả Be Pham, người này gợi ý về việc thành lập một đội "cảnh sát du lịch" như cách Thái Lan đang làm. "Cảnh hàng rong, xe ôm, taxi "chặt chém" là rất nhiều. Mình tận mắt nhìn thấy móc túi điện thoại của khách du lịch thì bị đe dọa. Một người bạn Ả Rập đi xe ôm từ Hàng Gai về Hàng Bông, bị bắt trả 200.000 đồng, một người Pháp bị taxi đi lòng vòng bắt trả 500.000 đồng. Hầu hết họ không có thời gian để thông báo với chính quyền, nhưng trong lòng họ chắc chắn không hài lòng và thất vọng. Nếu có cảnh sát du lịch để chủ động quản lý sẽ giúp hạn chế rất nhiều tình trạng này", người này bình luận.