Nam Định:

Vay tiền của dân để "vượt khó", 14 năm chính quyền vẫn không trả!

Ngọc Hân

(Dân trí) - Cho UBND xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, Nam Định vay tiền để thực hiện dự án từ năm 2006, tuy nhiên 14 năm trôi qua mà "con nợ" vẫn chưa chịu trả dù đã có phán quyết của tòa án.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Mai Văn Phong, trú tại xóm 1 xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, kiến nghị việc UBND xã Nghĩa An vay 116.400.000đ của gia đình ông để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2006.

Sau khi các công việc đã hoàn thành, gia đình ông có ý kiến với xã để xin lại số tiền đã vay thì xã trả lời là chưa rút được tiền. Cứ thế, hết năm này qua năm khác mà UBND xã không trả cho gia đình ông, đến nay là 14 năm.

Vay tiền của dân để vượt khó, 14 năm chính quyền vẫn không trả! - 1
Vay tiền của dân để vượt khó, 14 năm chính quyền vẫn không trả! - 2

Sau nhiều năm làm đơn gửi đi các cơ quan chức năng trong tỉnh nhưng không được giải quyết, ông Phong gửi đơn phản ánh tới báo chí nhờ giúp đỡ.

Xã vay tiền của dân để vượt khó xong định "chạy làng"?

Quá bức xúc, tháng 6/2018, ông Phong làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Nam Trực. Ngày 16/10/2018, TAND huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã mở phiên tòa xét sử sơ thẩm vụ án dân sự giữa nguyên đơn là ông Mai Văn Phong và bị đơn là UBND xã Nghĩa An, huyện Nam Trực.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Ông Phong cho UBND xã Nghĩa An vay 03 khoản tiền vào ngày 25/6/2004, ngày 04/6/2005 và ngày 26/6/2006 là hợp đồng vay tài sản. Các bên không thoả thuận về lãi suất, thời hạn trả nợ. Mục đích của bên vay để trả tiền đền bù, thu hồi đất cho các hộ dân trong quá trình giải phóng mặt bằng xây dựng mở rộng trường cấp 1 Nam Nghĩa, xây mới trường mầm non Nam An và trường mầm non Nam Nghĩa, xã Nghĩa An.

Hai bên đã viết giấy biên nhận ngày 26/6/2006 xác nhận về tổng nợ cả 03 lần vay là 116.400.000đ, thay mặt UBND xã Nghĩa An, ông Phan Văn Mai – Chủ tịch UBND xã ký đóng dấu vào văn bản trên.

Tất cả các công trình trên đã hoàn thành nhưng UBND xã Nghĩa An không thanh toán các khoản đã vay cho ông Phong, ông Phong đã nhiều lần yêu cầu UBND xã thanh toán, như vậy xác định UBND xã Nghĩa An đã vi phạm hợp đồng từ thời điểm ông Phong đòi nợ từ năm 2007.

Người đại diện theo pháp luật của UBND xã Nghĩa An cho rằng: Tại văn phòng, phòng địa chính cũng như sổ theo dõi quỹ, tài chính từ năm 2004 đến hết 2006 không có bất cứ tài liệu nào thể hiện UBND xã Nghĩa An vay của ông Phong số tiền trên để chi trả tiền đền bù, thu hồi đất của nhân dân trong quá trình giải phóng mặt bằng mở rộng và xây dựng mới các công trình phúc lợi trên như ông Phong trình bày.

Việc ông Mai – Chủ tịch xã thời đó, chỉ đạo giao cho ông Nguyễn Trọng Bảy lúc đó là cán bộ địa chính xã đứng ra vay tiền ông Phong như thế nào thì bị đơn không nắm được. Nhưng bị đơn thừa nhận thời điểm 2004 đến 2006 trên địa bàn xã có việc thu hồi đất của nhân dân để xây dựng các công trình phúc lợi trên và đã hoàn thành đi vào sử dụng từ đó đến nay không có tranh chấp gì.

Vay tiền của dân để vượt khó, 14 năm chính quyền vẫn không trả! - 3
Vay tiền của dân để vượt khó, 14 năm chính quyền vẫn không trả! - 4
Vay tiền của dân để vượt khó, 14 năm chính quyền vẫn không trả! - 5

Toà án nhân dân huyện Nam Trực đã tuyên buộc UBND xã NGhĩa An phải trả số tiền vay của gia đình ông Phong.

Ông Nguyễn Hữu Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An từ năm 2004-2011 cũng xác nhận việc UBND xã thời điểm đó giao cho ông và ông Bảy cán bộ địa chính, làm việc với nhân dân đồng ý để xã thu hồi đất ở 02 khu vực xây 03 trường trên, và xã đã xây dựng phương án đền bù để trả tiền cho dân.

Do điều kiện khó khăn về tài chính, tập thể lãnh đạo xã đã thống nhất vay tiền của ông Phong để trả cho nhân dân, khi xây dựng xong sẽ làm thủ tục thu hồi đất theo quy định, rút tiền ngân sách trả lại cho ông Phong.

Từ đó, HĐXX đi đến kết luận: trong ngân sách tài chính của xã không thể hiện có chi  bất cứ khoản tiền nào về việc đền bù đất cho các hộ dân trong quá trình xây dựng các công trình trên. Nhưng thực tế tại địa phương thời điểm đó có việc xây dựng, thu hồi, đền bù đất và hoa màu cho người dân. Các hộ dân nhận đủ tiền đền bù và không có ý kiến hay tranh chấp gì, phù hợp với lời khai của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

Như vậy, các công trình xây dựng mở rộng, xây mới 03 trường trên địa bàn xã Nghĩa An là dự án đầu tư của UBND xã, trong đó ông Mai Văn Phong đã cho xã vay số tiền trên để chi trả tiền đền bù thu hồi đất cho nhân dân để thực hiện dự án, trách nhiệm trả nợ cho ông Phong thuộc về UBND xã Nghĩa An.

Do đó, yêu cầu của ông Phong là có căn cứ, buộc UBND xã Nghĩa An có nghĩa vụ trả cho ông Phong số tiền vay gốc là 116.400.000đ.

Vay tiền của dân để vượt khó, 14 năm chính quyền vẫn không trả! - 6

Quyết định thi hành án được thông báo hơn 1 năm nhưng vẫn chưa được UBND xã Nghĩa An thực hiện.

Ngày 26/3/2019, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự (THADS) huyện Nam Trực đã ký quyết định thi hành án số 220/QĐ-CCTHADS, cho thi hành án đối với UBND xã Nghĩa An, buộc phải trả số tiền trên cho ông Phong trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo.

Xã đẩy lên huyện, huyện "đùn" về xã!

Đến thời điểm hiện tại, bản án đã tuyên được 2 năm mà ông Phong vẫn chưa nhận được số tiền đã cho UBND xã Nghĩa An vay, hàng loạt đơn thư được ông Phong gửi đến các cơ quan chức năng trong tỉnh đề nghị giải quyết, nhưng đều nhận được câu trả lời chung chung với nội dung: “UBND huyện đã nhận được báo cáo của UBND xã Nghĩa An và đã giao cho phòng tài chính kế hoạch hướng dẫn UBND xã thủ tục hoàn thiện hồ sơ”.

Sự “chung chung” và đùn đẩy trách nhiệm từ huyện tới xã thể hiện rõ qua nội dung văn bản số 52/CCTHADS do Chi cục thi hành án dân sự huyện Nam Trực gửi Cục thi hành án dân sự tỉnh Nam Định và UBND huyện Nam Trực ngày 05/5/2020 như sau:

“Để thi hành dứt điểm vụ việc, Chi cục THADS huyện đã báo cáo, xin ý kiến Ban chỉ đạo THADS huyện Nam Trực. ngày 13/6/2019 Ban Chỉ đạo THADS huyện đã họp và có Thông báo kết luận số 02/TB-BCĐ “UBND huyện đã nhận được báo cáo của UBND xã Nghĩa An và đã giao cho Phòng tài chính kế hoạch hướng dẫn UBND xã thủ tục hoàn thiện hồ sơ”. Chi cục THADS huyện đã làm việc với ông Mai Văn Phong và thông báo cho ông biết về tình hình vụ việc.

Ngày 14/6/2019, Chi cục THADS đã làm việc với đại diện UBND xã Nghĩa An để đôn đốc việc thi hành án và đề nghị xã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, hoàn thiện hồ sơ các dự án để có kinh phí thực hiện việc hoàn trả cho ông Phong.

Ngày 08/8/2019, Chi cục THADS huyện đã làm việc với đại diện lãnh đạo UBND xã Nghĩa An. Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo xã cho biết: đơn vị sẽ rà soát và báo cáo cụ thể bằng văn bản về khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện hoàn thiện hồ sơ dự án, đồng thời đề nghị các cơ quan chuyên môn của UBND huyện hướng dẫn đơn vị khắc phục, hoàn thiện hồ sơ để có nguồn kinh phí trả cho ông Phong.

Ngày 06/12/2019, UBND xã Nghĩa An và Chi cục THADS huyện tổ chức làm việc với ông Phong để giải quyết vụ việc. Kết thúc buổi làm việc, ông Vũ Tiến Duật (Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo THADS huyện) yêu cầu các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp tham mưu UBND huyện, Ban chỉ đạo THADS huyện, UBND xã lập hồ sơ, văn bản báo cáo UBND huyện để có kinh phí chi trả cho ông Phong".

Ngày 21/01/2020, Cục THADS tỉnh Nam Định có Thông báo số 45/TB- CTHADS, theo đó chỉ đạo Chi cục THADS hướng dẫn UBND xã trình UBND huyện xin kinh phí hỗ trợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng để trả tiền cho người được thi hành án. Chi cục THADS huyện đã thông báo để UBND xã tổ chức thực hiện”.

Vay tiền của dân để vượt khó, 14 năm chính quyền vẫn không trả! - 7
Vay tiền của dân để vượt khó, 14 năm chính quyền vẫn không trả! - 8

Vấn đề đã quá rõ ràng về cả chứng và lí, nhiều cuộc họp cũng đã được triển khai nhưng không thể giải quyết được cho người dân.

Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, ông Nguyễn Trọng Nam cho biết: “Hiện xã đang gặp khó khăn trong việc xác định nguồn kinh phí để xin UBND huyện hỗ trợ, bởi để thực hiện các thủ tục chi từ ngân sách nhà nước thì các hạng mục chi phải có hồ sơ.

Về nguyên tắc, khi đất chưa có quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền thì đất vẫn thuộc quyền của các hộ dân. Do đó phải thực hiện việc báo cáo UBND huyện ra quyết định thu hồi đất, sau đó lập lại hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng theo đơn giá mới thì mới có căn cứ để rút kinh phí trả cho ông Phong.

Hiện xã vẫn đang chờ phòng Tài chính kế hoạch của huyện hướng dẫn để giải quyết vấn đề này”.

Về phía huyện, ông Lưu Quang Tuyển, Chủ tịch UBND huyện khẳng định với PV Dân trí rằng, về cơ bản, nguồn thì huyện đã có sẵn nhưng chưa biết phải hạch toán thế nào để trả người dân, chờ qua Đại hội Đảng bộ cấp huyện, ông sẽ làm việc với các phòng chức năng để giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Ông Phong ngậm ngùi: “Cả đời tích cóp được số tiền công lao động, tiền trợ cấp thương tật để đến lúc tuổi già đỡ vất vả, không ngờ cho chính quyền địa phương vay 14 năm trời đến nay vẫn không chịu trả. Giờ vợ tôi bị bệnh hiểm nghèo, sự sống chỉ còn tính từng ngày, các con cháu đều ở xa không thể giúp đỡ, mong các cấp ban ngành quan tâm giúp đỡ gia đình tôi lấy lại được số tiền mồ hôi nước mắt của mình để an tâm sống nốt phần đời còn lại”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!