Quảng Trị:

Vụ gần 1.000 ha rừng bị lấn chiếm: Bất ngờ gần 500 ha không ai nhận!

Đăng Đức

(Dân trí) - Sau khi chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp đường 9 bàn giao đất, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ đã thông báo nhiều lần nhưng phát hiện gần 500 ha đất không có ai đến khai nhận.

Liên quan đến vụ lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng keo, tràm tại Quảng Trị, thời gian qua chính quyền địa phương đã thực hiện việc giao đất cho người dân sản xuất, sau khi được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp đường 9 (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp đường 9) bàn giao đất rừng.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là trong quá trình thực hiện giao đất, địa phương phát hiện gần 500 ha đất rừng bị lấn chiếm trồng cây keo, tràm ở xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) hiện không có người đến khai nhận là chủ sở hữu.

Có cán bộ Công ty xâm lấn đất rừng

Công ty Lâm nghiệp đường 9 được Nhà nước giao quản lý và sử dụng hơn 7.000 ha rừng và đất rừng, ở khu vực phía Tây của huyện Gio Linh và huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị).

Vào năm 2016, công ty này thực hiện rà soát, đã phát hiện gần 1.000 ha đất rừng bị lấn chiếm trái phép, chủ yếu trên địa bàn huyện Cam Lộ. Phần lớn diện tích đất bị xâm chiếm được sử dụng trồng keo tràm, cây cao su.

Vụ gần 1.000 ha rừng bị lấn chiếm: Bất ngờ gần 500 ha không ai nhận! - 1

Ông Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Đường 9 cũng bị kiểm điểm vì "mượn đất rừng" làm trang trại

Khi vụ việc được phát hiện, chính quyền và Công ty Lâm nghiệp đường 9 đã áp dụng nhiều cách để thuyết phục người dân trả lại đất, nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp đường 9 giải thích, những người lấn chiếm là người dân địa phương và một số công nhân của công ty này. Thế nhưng, qua tìm hiểu được biết, trong số những người lấn chiếm đất rừng có cả cán bộ Công ty Lâm nghiệp đường 9, người nhà cán bộ…

Sau đó, Công ty Lâm nghiệp đường 9 cùng chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người lấn chiếm đất được khai thác sản phẩm cây trồng trên đất. Khi cây rừng đến tuổi, thì khai thác, rồi trả lại đất cho công ty.

Tuy nhiên, nhiều hộ chây ỳ, khai thác xong cây không chịu trả lại mà tiếp tục trồng mới lại chu kỳ rừng khác.

Nghịch lý hàng trăm ha rừng... "vô chủ"

Xác định một trong những nguyên nhân lấn chiếm đất trồng rừng là do thiếu đất, nên UBND tỉnh Quảng Trị có chủ trương thu hồi lại 3.000/6.800 ha đất rừng của Công ty Lâm nghiệp đường 9 để bàn giao lại cho các địa phương, chia cho dân sản xuất.

Theo đó, thực hiện chủ trương này, Công ty Lâm nghiệp đường 9 giao lại cho huyện Cam Lộ 614 ha đất rừng, thuộc địa phận xã Cam Tuyền.

Đến thời điểm này, xã Cam Tuyền mới xử lý được 118/614 ha đất, giao cho người dân sản xuất. Còn 496 ha đất thì khi nhận bàn giao, phần lớn trên đất đã được trồng cây keo tràm nhiều năm tuổi.

Vụ gần 1.000 ha rừng bị lấn chiếm: Bất ngờ gần 500 ha không ai nhận! - 2

Chính quyền xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ đã phát đi thông báo nhưng có gần 500ha rừng chưa có ai khai nhận là chủ sở hữu.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuân – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết, xã đã thông báo qua hệ thống thông tin như: Đài truyền hình, hệ thống truyền thanh của xã nhiều lần, nhưng gần 500 ha đất nói trên không có ai đến kê khai.

Lãnh đạo xã Cam Tuyền giải thích, khi Công ty Lâm nghiệp đường 9 bàn giao đất rừng cho địa phương quản lý, trong đó có nhiều người xâm lấn. Xã đang nỗ lực tìm mọi cách để giao cho dân nhưng nhiều ha đất rừng chưa có ai nhận. Trước đây, Công ty Lâm nghiệp đường 9 có cung cấp thông tin về những người khai thác trên đất nhưng không rõ ràng.

“Thời gian qua, xã đã làm thông báo trên các phương tiện thông tin để ai làm thì đến kê khai, từ đó xã nắm được ai là chủ sở hữu, nhưng hiện chưa nắm được cụ thể. Trước vấn đề này, huyện Cam Lộ đã có chỉ đạo cố gắng tìm ra chủ sản xuất, yêu cầu họ đến kê khai để sau này tiến hành giao cho dân theo đúng đối tượng”, ông Tuân nói.

Theo ông Tuân, sau này xã kiểm tra chặt chẽ hơn vấn đề khai thác rừng để yêu cầu người đến kê khai.

Hiện xã đang xin ý kiến huyện Cam Lộ về việc phối hợp với lực lượng công an, kiểm lâm để chặn đường vào các diện tích đất bị xâm chiếm có rừng trồng "vô chủ".