"Sốt" đất vùng ven: Cẩn trọng tránh chiêu "thổi giá" của cò đất

Việt Vũ

(Dân trí) - Bất chấp đại dịch Covid-19, đất nền vùng ven Hà Nội và TP.HCM vẫn tăng giá rất mạnh. Các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần cẩn trọng tránh sập bẫy của "cò" môi giới.

Vì sao đất nền ven đô luôn “nóng”?

Sau hơn nửa năm “nằm im” vì đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội và TP.HCM bắt đầu bứt phá nhanh chóng. Tuy nhiên, do nguồn cung BĐS ở khu vực trung tâm tiếp tục khan hiếm, nên làn sóng đầu tư đổ dồn về khu vực ven đô, kéo theo các đợt “sốt đất” ở một số huyện ngoại thành của Hà Nội và TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, trước đây, lượng tìm kiếm thông tin BĐS chủ yếu nhắm tới khu vực nội đô Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, giới đầu tư có xu hướng tìm kiếm các thị trường khác.

Cụ thể, tại Hà Nội, khu vực đang được giới đầu tư lựa chọn nhiều nhất là Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì. Bởi 4 huyện này đang được quy hoạch lên quận vào năm 2025. Bên cạnh đó, một số khu vực khác cũng “nóng” không kém nhờ ăn theo hạ tầng như Thạch Thất, Hòa Lạc và Ứng Hòa.

Sốt đất vùng ven: Cẩn trọng tránh chiêu thổi giá của cò đất - 1

Bất động sản vùng ven được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của thị trường. Trong ảnh là KĐT xanh Ecopark phía Đông Hà Nội. 

Trong khi đó, tại TP.HCM, khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũng trở thành “tâm điểm” của thị trường, nhờ đề án xây dựng thành phố Thủ Đức, trực thuộc TP.HCM. Đề xuất này cũng làm tăng nhiệt ở các địa phương giáp ranh với TP.HCM như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Bình Dương.

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nhờ sự xuất hiện của giới đầu tư đất đã khiến thị trường BĐS vùng ven trở nên sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên nhanh chóng mặt. Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn đồng/m2, nay đã lên đến vài triệu đồng, vài chục triệu đồng/m2. Thậm chí, đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu đồng/m2.

Nhìn nhận từ thị trường, đại diện CBRE cho biết, 90% khách mua đất vùng ven để đầu tư, 10% còn lại là để ở.

Theo giới chuyên gia, đất nền vùng ven, hoặc các sản phẩm BĐS gắn liền với đất như biệt thự, nhà liền kề luôn là “con gà đẻ trứng vàng” của giới đầu tư. Do quỹ đất trong trung tâm thành phố đang dần cạn kiệt, kéo theo làn sóng dịch chuyển dân cư mới sang ven đô sinh sống.

Ngoài ra, còn một số lý do khác như quỹ đất vùng ven vẫn còn tương đối thoải mái, giá bán đất vùng ven rẻ hơn nhiều so với trung tâm thành phố, phù hợp với khách mua có dòng vốn hạn chế; tỷ suất lợi nhuận vùng ven cũng cao hơn, dao động từ 8 - 10%/năm. Đặc biệt, ở những khu vực có lợi thế về hạ tầng giao thông, tỷ suất lợi nhuận có thể vượt 10%/năm.

Cẩn trọng với “bẫy” của cò đất

Sốt đất vùng ven: Cẩn trọng tránh chiêu thổi giá của cò đất - 2

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần cẩn trọng tránh sập bẫy của "cò" môi giới. 

Hiện nay, giới cò đất, đầu cơ BĐS đang giăng nhiều cạm bẫy ở thị trường BĐS ven Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, một số thủ đoạn dễ gặp như tạo ra các cơn sốt đất ảo vùng ven, làm giả thông tin quy hoạch để kêu gọi đầu tư;...

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, để đầu tư an toàn vào thị trường đất nền vùng ven, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước những lời “mật ngọt” của giới cò đất, không nên tin tưởng tuyệt đối vào lời tư vấn của bên môi giới.

Thay vào đó, nhà đầu tư phải chủ động kiểm tra thông tin quy hoạch, thông tin về dự án và tránh tâm lý đám đông. Nếu đầu tư vào dự án, khách hàng phải xem xét năng lực của chủ đầu tư thông qua các dự án trước đó đã thực hiện.

“Một bước kiểm tra quan trọng trước khi đầu tư là so sánh giá trong 1 năm. Nếu giá trị BĐS chênh quá cao, không nên đầu tư vào nơi có giá trị chênh quá cao, vượt 15%. Vì đây có thể là chiêu thổi giá của giới cò đất”, ông Đính nói.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE chia sẻ: “Đầu tư các khu vực đất vùng ven, những thị trường mới nổi như vậy cần lưu ý tính thanh khoản của nó. Có những nhà đầu tư "lướt sóng" kiếm lời nhưng khi thị trường đi xuống, muốn rút chân ra rất khó”.

Chuyên gia của CBRE lưu ý: Nhà đầu tư phải nắm được thông tin về khu vực đó có thể hiện thực hóa đến đâu, có nằm trong quy hoạch không, góp ý như thế nào, tài chính nhà đầu tư có đủ vững hay không.