1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

TP.HCM: Hơn chục ngàn nhà, đất công còn để trống

HĐND TP.HCM yêu cầu Sở TN&MT và Sở Xây dựng có giải pháp để sử dụng hiệu quả nhà, đất công, tránh lãng phí.

Hơn chục ngàn căn hộ và nền đất tái định cư (TĐC) bỏ trống nhiều năm chưa bố trí sử dụng, gần 200 khu đất công đã bị sử dụng sai mục đích, có 110 khu đất bỏ trống.

Đó là những con số đáng suy nghĩ trong công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM (gọi tắt là nhà, đất công). Số liệu này đã được nêu ra trong chương trình giám sát của HĐND TP.HCM với hai sở TN&MT và Xây dựng  vào ngày 8/9.

10 năm chưa bán đấu giá

Tại buổi giám sát với Sở TN&MT, ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM, báo cáo từ năm 2015 đến tháng 6/2020, trong 202 khu đất được giao thu hồi, cơ quan này đã tiếp nhận 159 khu đất. Sau đó, cơ quan này đã đấu giá thành công tám khu đất, thu về cho ngân sách 1.743 tỉ đồng. Số còn lại được giao cho các đơn vị khác quản lý theo chỉ đạo của UBND TP.HCM và thực hiện các thủ tục thu hồi.

Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý và thuê bảo vệ đối với 123 khu đất thuộc đối tượng xử lý sắp xếp theo Nghị định 167/2017. Trong đó khai thác ngắn hạn 41 khu đất, thuê bảo vệ 39 khu đất, số còn lại tạm quản lý.

“Việc cho thuê ngắn hạn các khu nhà, đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, giảm chi phí thuê bảo vệ khoảng 3 tỉ đồng/năm. Tổng nguồn thu từ cho thuê ngắn hạn đến nay ước tính khoảng 110 tỉ đồng, toàn bộ nộp về ngân sách” - ông Lực cho hay.

Trung tâm Phát triển quỹ đất cũng đã khảo sát, ghi nhận hiện trạng 1.104 khu đất do 28 đơn vị là tổng công ty và công ty vốn nhà nước quản lý. Đáng chú ý, trong số này có đến 188 khu đất bị sử dụng sai mục đích như hợp tác kinh doanh, cho thuê, bố trí nhà ở và 110 khu đất bỏ trống.

Ông Lực cho biết hiện nay công tác thu hồi đất thuộc sở hữu nhà nước còn nhiều khó khăn. Có tình trạng các tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất khiếu kiện, khiếu nại, lấn chiếm đất, không tự nguyện chấp hành bàn giao mặt bằng cho cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ thu hồi.

“Nhiều địa chỉ nhà, đất được giao cho trung tâm xử lý thu hồi đã bị lấn chiếm, sử dụng trái phép. Cụ thể như các địa chỉ nhà, đất tại 387 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho; 86 Trần Đình Xu, phường Cô Giang (quận 1); 400 Nguyễn Duy, phường 9, quận 8…” - ông Lực nêu.

Ngoài ra, giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất cũng cho biết chi phí thuê bảo vệ chỉ được cấp 5 triệu đồng/tháng, quá thấp so với thực tế nên gặp khó khi thuê bảo vệ các khu đất có diện tích lớn, địa bàn phức tạp.

Về vấn đề này, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM, đánh giá có tình trạng doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước nhưng không sử dụng đúng mục đích. Thậm chí, các doanh nghiệp này còn đem cho thuê lại, hưởng chênh lệch nhưng không đóng thuế, gây thất thu ngân sách.

“Nhiều khu đất chưa được quản lý bài bản, không có kế hoạch cụ thể nên cả 10 năm vẫn chưa tổ chức bán đấu giá. Đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất xây dựng phương án xử lý cho từng nhóm khu đất” - bà Thắng nói.

Về phía Sở TN&MT, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc sở này, cho biết: Để tránh thất thoát, lãng phí thì cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau khi giao, cho thuê đất, đảm bảo người được giao, cho thuê đất sử dụng đúng mục đích.

“Khi phát hiện trường hợp sử dụng đất sai mục đích thì lập biên bản xử phạt theo quy định, nếu đủ điều kiện thì thu hồi để bán đấu giá. Về lâu dài, cần phải có thêm hình thức đấu giá tiền thuê đất để đảm bảo thu đúng, thu đủ, không để thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai” - ông Trực đề xuất.

TP.HCM: Hơn chục ngàn nhà, đất công còn để trống - 1

Địa chỉ nhà, đất công tại 78 Xuân Thủy, phường Thảo Điền, quận 2 bị Chi cục Thuế quận 2 ra quyết định cưỡng chế xử phạt vì chậm nộp phạt tiền thuế hơn 5,3 tỉ đồng. Ảnh: Hoàng Giang

TP.HCM: Hơn chục ngàn nhà, đất công còn để trống - 2

Rất nhiều căn hộ tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã xuống cấp nhưng chưa được bố trí sử dụng. Ảnh: Việt Hoa

Hơn 11.500 căn hộ và nền đất TĐC đang để trống

Buổi chiều cùng ngày, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cũng đã báo cáo HĐND TP.HCM về công tác quản lý, sử dụng nhà, đất công thuộc thẩm quyền của sở này. Trong đó, đáng chú ý, hiện nay toàn TP còn 9.434 căn hộ TĐC chưa bố trí sử dụng và 2.254 nền đất chưa sử dụng tại 163 dự án.

Giải trình về con số hơn chục ngàn căn nhà và nền đất dôi dư nêu trên, ông Khiết cho biết trong số này hiện TP đã duyệt chủ trương đấu giá hơn 5.000 căn hộ và 43 nền đất.

“Số còn lại, các quận/huyện đã xin giữ lại làm quỹ bố trí TĐC cho các dự án. Thực tế, hiện còn trống khoảng 1.800 căn hộ và 1.100 nền đất chưa bố trí. Đây cũng là nguồn nhà dự phòng cho các trường hợp cấp bách cần bố trí TĐC” - ông Khiết thông tin.

Giải thích thêm lý do dôi dư hơn chục ngàn căn nhà và nền đất trong thời gian qua, theo ông Khiết, trước Luật Đất đai 2013, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thường có ba hình thức: bằng tiền, bằng căn hộ và bằng nền đất để người dân lựa chọn.

“Thời điểm đó, do chính sách bồi thường không sát với giá thị trường nên đa phần người dân nhận căn hộ hoặc nền đất. Sau Luật Đất đai 2013, giá bồi thường đã bằng giá thị trường nên người dân chủ yếu chọn hình thức bồi thường bằng tiền để tự lo nơi ở mới, do đó đã dư ra số lượng căn hộ TĐC đáng kể” - ông Khiết nói.

Theo Sở Xây dựng, trước đây quỹ nhà TĐC do các quận/huyện quản lý, đến tháng 3-2020 TP đã có quyết định giao về cho Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng thuộc Sở Xây dựng quản lý. Việc này sẽ đảm bảo việc quản lý, vận hành thống nhất một đầu mối toàn bộ quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có nhà TĐC.

Tại cuộc họp, các đại biểu HĐND bày tỏ sự lo ngại về việc chất lượng căn hộ sẽ xuống cấp khi để lâu không sử dụng.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng, cho biết hiện nay trung tâm này đã được bố trí 71 tỉ đồng để phục vụ công tác vận hành, bảo quản, duy tu nhà TĐC nêu trên.

Bà Phan Thị Thắng đánh giá: Trong thời gian qua, TP có hàng ngàn căn nhà và nền đất TĐC bỏ trống, chưa sử dụng, thậm chí có những trường hợp căn hộ TĐC 20 năm rồi nhưng chưa bố trí, gây lãng phí. “Sở Xây dựng và các đơn vị quản lý cần xem xét lại trách nhiệm và quá trình phối hợp để có giải pháp đẩy nhanh việc bố trí sử dụng nhà TĐC” - bà Thắng đề nghị.

Về số lượng căn hộ TĐC chưa bố trí, phó chủ tịch HĐND TP cũng đề nghị Sở Xây dựng cần có giải pháp giải quyết để sử dụng hiệu quả quỹ nhà TĐC. Tuy nhiên, bà Thắng cũng lưu ý sở này cần tính toán, phải có quỹ nhà nhất định để bố trí TĐC những trường hợp khẩn cấp, tránh để quỹ nhà trống trơn.

 

Sẽ tổ chức đấu giá tiền thuê nhà, đất công

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng, một trong những vướng mắc của công tác quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước là khoản tiền thuê nhà, đất. Hiện nay, các đơn vị cho thuê vẫn đang áp giá theo Quyết định 3346/1994 và Quyết định 95/2015 đã quá cũ và lạc hậu. Để không bị thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, ông Hải cho biết các đơn vị cho thuê đã áp dụng thêm các hệ số để tính tiền thuê nhà, đất cho phù hợp.

Có đơn vị thì thuê đơn vị thẩm định giá, sau đó đấu giá tiền thuê nhà, đất công. Quy định pháp luật hiện hành không có quy định về việc tín tiền thuê nhà, đất công. Vì vậy, Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng đã tham mưu quy trình đấu giá cho thuê nhà, đất phục vụ thương mại, sản xuất phi nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý trên địa bàn TP. Trong đó, trung tâm này sẽ thuê đơn vị thẩm định giá theo thị trường, sau đó Sở Xây dựng sẽ thẩm định lại, trình TP xem xét để đưa ra giá khởi điểm.

Ông Hải cho biết sẽ tổ chức thí điểm quy trình này đối với địa chỉ nhà, đất tại số 18 Đặng Thị Rành, phường Linh Tây, quận Thủ Đức. 

Theo Việt Hoa

Pháp luật TPHCM