Chúng ta có xứng đáng “là ngôi sao sáng” về kinh tế hay không?

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Mới đây, tờ Asia Times đã nhận xét: “Việt Nam là ngôi sao sáng trong nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch”. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có xứng đáng với lời khen đó không?

Chúng ta có xứng đáng “là ngôi sao sáng” về kinh tế hay không? - 1

Để minh chứng cho nhận xét của mình, tờ báo dẫn các số liệu: “Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 2 năm 2020 khoảng 0,4%. Mặc dù đây là con số thấp nhất của nền kinh tế Việt Nam trong 35 năm qua, nhưng đó cũng là số liệu đáng kể so với các nước láng giềng, khi một số nước thậm chí còn có tăng trưởng âm.

Ngân hàng Thế giới dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,8% trong năm 2020 và sẽ hồi phục về mức 6,7% trong năm tới. Tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings dự đoán Việt Nam sẽ là quốc gia có phát triển cao thứ hai trong số các nền kinh tế tại châu Á trong năm nay.

Tất cả những số liệu trên cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng để hồi phục trở lại sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Việt Nam sẽ nổi lên nhanh chóng trong giai đoạn sau đại dịch và trở thành một trong những quốc gia có mức tăng trưởng tốt nhất trong nền kinh tế toàn cầu, như Việt Nam từng như vậy trong một thập niên qua”. Bài báo viết.

Asia Times không phải là tờ báo duy nhất nói về điều này. Cách đây tròn một tháng (30.8), sau khi đưa ra những lập luận thuyết phục, tờ Jerusalem Post nhận xét:

“Dù Việt Nam không tránh khỏi bị ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng triển vọng hồi phục kinh tế của Việt Nam rất tích cực và “tươi sáng nhất châu Á”. Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá là có vị thế tốt để thu hút chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Không chỉ từ những lời khen của báo chí nước ngoài, nhìn vào thực tế, chúng ta cũng dễ dàng cảm nhận được những nỗ lực không ngừng của Chính phủ và Nhân dân ta thời gian qua.

Trong khi các cường quốc về kinh tế đang vật vã chống lạm phát thì Việt Nam, dù sự tăng trưởng có chững lại rất nhiều so với năm ngoái, song, cho đến giờ phút này hoàn toàn có thể khẳng định, tăng trưởng của Việt Nam chắc chắn là số dương.

Thực tế cho thấy, dù phải trải qua rất nhiều khó khăn nhưng đời sống của số đông người dân vẫn khá ổn định, thị trường, giá cả không bị biến động mạnh, đồng tiền không mất giá. Nhiều mặt hàng xuất khẩu vẫn mở ra những kỉ lục mới. Đầu tư nước ngoài tăng…

Cách đây ít lâu, người viết bài này từng mong rằng kinh tế nước ta năm nay chỉ cần “không âm” đã là một thắng lợi. Song, giờ thì hoàn toàn có thể khẳng định, tăng trưởng dứt khoát sẽ là “số dương” và vấn đề chỉ là “dương” bao nhiêu thôi.

Đây là nỗ lực của toàn thể đất nước ta và những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta được phép chủ quan, thỏa mãn bởi dịch bệnh vẫn còn đó và hoàn toàn có thể bùng phát khi mùa thu – đông tới. Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang vật vã chống trả nên dịch bệnh hoàn toàn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 2.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khái quát, tình hình ngày càng tốt hơn. Quý III, nền kinh tế có sự tăng trưởng tốt hơn (2,6%), đặc biệt các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, công thương, tài chính, ngân hàng, các lĩnh vực xã hội có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét, tạo tiền đề cho quý IV và cả năm 2020 đồng thời nhắc nhở:

“Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tăng trưởng hiện vẫn ở mức thấp so với tiềm năng, kỳ vọng mà chúng ta đặt ra đầu năm. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của dịch Covid-19, cần nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước” 

Vì thế, cùng với niềm vui, chúng ta đã, đang và cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để “ngôi sao Việt Nam” tiếp tục tỏa sáng trên bầu trời kinh tế không chỉ sau đại dịch.