Làm sao khỏa lấp mất mát to lớn này…

Bích Diệp

(Dân trí) - “Rào Trăng 3” có lẽ là từ khóa đang được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày gần đây khi dải đất miền Trung vẫn đang trải qua nỗi đau thắt ruột vì mưa lũ.

Làm sao khỏa lấp mất mát to lớn này… - 1

Tang thương bao trùm khi hàng chục người đã bị thiệt mạng. Đến tối 15/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy toàn bộ 13 thi thể là các cán bộ, chiến sĩ bị núi lở vùi lấp tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ.

Tôi đã từng cầu mong những tín hiệu của sự sống, cầu mong kỳ tích sẽ đến. Chúng ta sẽ vẫn giữ hy vọng đến giây phút cuối cùng. Thế nhưng, niềm hi vọng đã tắt!

Quê tôi ở miền Trung. Gia đình tôi cũng có truyền thống trong quân ngũ. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã quen với những đợt nước lụt chạm đến nóc nhà và bố thì đi biền biệt. Mùa bão lũ, có hôm bố được về cuối tuần, mâm cơm đã dọn sẵn trên bàn nhưng ông không kịp ăn đã phải vội đi chống bão, hộ đê…

Mấy chục năm trôi qua, miền Trung quê tôi vẫn vậy, vần vũ trong thiên tai, chẳng năm nào mà không rơi nước mắt. Nhà cửa tan hoang, mùa màng thất bát, nếu không có thiệt hại về người thì đã là may mắn lớn lắm rồi…

Những ngày gần đây, đọc tin về những công nhân mất tích, những người đuối nước và những cán bộ, chiến sĩ gặp nạn ngay trên đường cứu nạn… lòng tôi thắt lại.

Là người con của miền Trung, là người con có bố là cựu chiến binh, người vợ có chồng là bộ đội, tôi phần nào thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân nơi đây, thương vô cùng những người vợ, người mẹ của các chiến sĩ đang ngày đêm xông vào vùng nguy hiểm.

Một cán bộ từ đoàn cứu hộ tại trạm kiểm lâm 67 đã chia sẻ với báo chí rằng, công tác tìm kiếm 13 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn ở đây rất khó khăn.

“Khu vực này hiện như một túi bùn nhão, diện tích khoảng 1 hecta, dày 4m. Các xe múc nhỏ được điều đến cùng với chiến sĩ đào tay. Tuy nhiên đất nhão rất dễ lún nên không thể huy động máy móc làm mạnh. Nếu làm thủ công sẽ mất rất nhiều thời gian”.

Người cứu hộ đi tìm kiếm người cứu hộ gặp nạn. Không hề còn dấu vết của trạm kiểm lâm ngày nào. Căn nhà đã bị vùi lấp hoàn toàn, không gian ngổn ngang, mờ đục, trắng xoá. Những bộ quân phục còn lấm đầy bùn đất. Sao vàng trên mũ, người nơi đâu…

Hình ảnh cập nhật liên tục được phóng viên hiện trường gửi về. Một số thi thể dần được tìm thấy nhưng danh tính các nạn nhân vẫn chưa xác định.

Tôi không cầm nổi nước mắt trước những gì được thấy…

Họ ra đi ngay trong thời bình, khi chiến tranh đã lùi xa. Mất mát quá lớn lao. Hi sinh quá lớn lao. Xót xa vô cùng…

Một đồng nghiệp kể rằng, hôm qua, gia đình của một trong những cán bộ, chiến sĩ ấy vẫn nuôi hi vọng ngày anh trở về. Con anh vẫn còn chờ bố về để tập xe đạp…

Làm sao có thể khỏa lấp hết những mất mát này..!

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ khác vẫn tiếp tục nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, tranh thủ từng giờ, từng phút không ngơi nghỉ. Đồng đội cần họ, nhân dân cần họ.

Cơn bão này qua đi, cơn bão khác lại chực chờ. Thiên tai nối tiếp thiên tai, cứ dồn dập như thử sức chịu đựng của quân, dân nơi dải đất miền Trung khốn khó.

Biết rằng, sức người khó thắng nổi bão lũ, nhưng trong thiệt hại quá lớn về người và của ở miền Trung suốt những năm qua, có bao nhiêu là lỗi của chúng ta? Có bao nhiêu phần bởi ông Trời, bao nhiêu phần vì con người, vì nạn phá rừng và vì những vấn đề trong vận hành thuỷ điện?

Mất mát này, hy sinh này cũng là lúc để các cấp, các ngành nhìn lại thấu đáo trách nhiệm của mình. Nếu không khắc phục được “nhân tai” như thế, sợ rằng, nỗi đau này sẽ vẫn còn dai dẳng, kéo dài…