“Văn hóa… không nhúc nhích!” hay sự “trì trệ có… ý đồ”?

(Dân trí) - Chỉ còn hơn một năm nữa, nhiệm kỳ này sẽ kết thúc nên có thể xuất hiện một số luồng tư tưởng, ví như người hết tuổi cơ cấu “nằm im” để chờ “hạ cánh an toàn”. Người còn cơ hội có thể cũng “bất động” để đảm bảo độ an toàn, không va vấp trên con đường tại vị hoặc thăng tiến…

“Văn hóa… không nhúc nhích!” hay sự “trì trệ có… ý đồ”? - 1

Tại lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức có một khái niệm được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chỉ mặt, đặt tên”, đó là “văn hóa… không nhúc nhích”.

Theo báo Lao động, tại buổi lễ, Thủ tướng đã đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần xóa bỏ ngay thứ văn hóa "không nhúc nhích", văn hóa để “nước đến chân mới nhảy”, văn hóa đợi nhắc thì làm, không nhắc thì cũng làm nhưng làm chậm, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao mà nhân dân, cơ quan đang mong đợi.

"Văn hóa công sở là đúng giờ, không đi trễ về sớm, xóa bỏ thứ văn hóa đang trong giờ rời nhiệm sở không có lý do chính đáng. Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công nhân viên không được bỏ bê công việc, không ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân. Xóa bỏ văn hóa sáng cắp ô đi chiều cắp về - Thủ tướng nói”. 

Thật ra thì những điều Thủ tướng nói đã xuất hiện lâu rồi và đây cũng không phải lần đầu Thủ tướng bày tỏ sự không hài lòng với đám cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”, “có cũng được mà không cũng được”, “ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân”.

Câu hỏi là vì sao dẫn đến tình trạng “văn hóa không nhúc nhích” ở một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay?

Có lẽ có nhiều nguyên nhân, song theo người viết bài này tựu chung có mấy lý do.

Thứ nhất, đó là yếu kém về năng lực. Nhóm người này thường thuộc thành phần “5C, tứ ệ”, không thạo việc, thậm chí không biết việc nên không biết làm gì và có làm cũng không ra gì. Thậm chí, thà không làm còn tốt hơn.

Thứ hai là nhóm người lười biếng, chờ nước đến chân mới nhảy và khi không còn thời gian để “nhảy” thì làm quấy làm quá, làm cẩu thả, làm thiếu trách nhiệm.

Thứ ba, đó là những người cố tình gây khó cho dân cốt oai, oách với dân để hành dân, moi tiền của dân.

Thứ tư là bởi hiện nay chưa có một chế tài đủ mạnh ở cả khâu giao việc lẫn khâu kỉ luật nếu không hòan thành công việc. Hậu quả là người làm nhanh như người làm chậm, người làm tốt như người làm không tốt và thậm chí, người làm cũng như người không làm.

Điều này khiến những người lười biếng, kém năng lực ỉ nại, không làm, không chịu làm còn những người có nhiệt huyết thì chán nản không muốn làm.

Trở lại với “văn hóa… không nhúc nhích” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập, có lẽ đây là giai đoạn mà cái thứ “văn hóa” này xuất hiện với tần số cao, thậm chí ở những cấp không hề thấp bởi đồng hành với văn hóa không nhúc nhích là “tư duy nhiệm kỳ”.

Chỉ còn hơn một năm nữa, nhiệm kỳ này sẽ kết thúc nên có thể xuất hiện một số luồng tư tưởng, ví như người hết tuổi cơ cấu “nằm im” để chờ “hạ cánh an toàn”. Người còn cơ hội có thể cũng “bất động” để đảm bảo độ an toàn, không va vấp trên con đường tại vị hoặc thăng tiến…

 Vì thế mong rằng cùng với phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, cần có những biện pháp mạnh để ngăn chặn sự trì trệ mà dân gian gọi là “đó rách ngáng chỗ”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám