Cần “những người khổng lồ”

“Con kiến đi 1.000 bước, nghĩa là tốc độ 1.000% thì cũng chỉ bằng con ngựa nửa bước... Đã tới lúc Việt Nam phải "biến hình", không phải đi bước chân của những chú kiến”. Và muốn như vậy, phải tạo ra “những người khổng lồ”- ngoặc kép là từ dùng của  nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, tiến sĩ  Trần Đình Thiên.

Vin.jpg

David Beckham và hoa hậu Tiểu Vy trong lễ ra mắt ôtô Vinfast tại Paris motor show (Ảnh VOV)

Câu hỏi “chúng ta đang ở đâu” vừa tạo ra một cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Về mặt con số, quy mô nền kinh tế Việt Nam khoảng hơn 240 tỉ USD, nghĩa là 1% tăng trưởng thì số tuyệt đối nền kinh tế đạt được là 2,4 tỉ USD. Trong khi đó 1% tăng trưởng của Singapore đã là 4 tỉ USD, gấp gần 2 lần Việt Nam. Còn Nhật Bản với quy mô hơn 4.800 tỉ USD thì 1% tăng trưởng của họ cũng đã bằng 20% quy mô kinh tế Việt Nam.

Và TS Thiên nhận định rất chính xác: Những con số sẽ không có ý nghĩa nếu "ta chỉ so với ta".

Chính Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cũng có một nhận định tương tự. “Thế giới đã thay đổi rất nhanh trong 30 năm qua. Thu nhập chúng ta chỉ xếp 136/188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trình độ phát triển của ta cũng chỉ bằng Hàn Quốc cách đây 40 năm, Malaysia cách đây 20 năm...”; và “chúng ta chỉ tiến xa so với chính chúng ta, nhưng chưa thấm gì so với thế giới”.

Vậy làm thế nào để chúng ta thực sự vươn mình? Dựa vào đâu để có những bước tiến “như ngựa phi” thay vì “bước đi của một con kiến”?

Câu trả lời là phải có được những tập đoàn tư nhân, những người khổng lồ- như một lực lượng tiên phong có thể tạo ra sự bứt phá.

Năm 2018, chúng ta chứng kiến những câu chuyện thần kỳ: Những dự án sản xuất ôtô, xe máy điện tầm cỡ thế giới hay những dự án hạ tầng giao thông ở tỉnh Quảng Ninh từ sân bay, cảng biển, đường cao tốc. 

Và tính hiệu quả, khối doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp từ 40-43% cho GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động.

Nhìn ở khía cạnh cấu trúc kinh tế, theo TS Trần Đình Thiên, lâu nay chúng ta vẫn dựa vào chủ yếu 2 động lực chính là kinh tế hộ gia đình, góp hơn 31% GDP, và doanh nghiệp Nhà nước với 28% GDP. Và những nỗ lực vừa qua mới bắt đầu nhưng chưa đụng tới thay đổi cấu trúc.

Nền kinh tế chỉ thực sự hóa rồng hóa cọp nếu tạo ra được sự dịch chuyển, dịch chuyển từ sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu sang công nghệ hiện đại; từ thâm dụng lao động sang tay nghề trình độ cao, từ việc tạo ra sản phẩm chất xám thay vì bán mồ hôi, cơ bắp, từ việc lựa chọn chiếc ôtô thay vì những siêu chùa, và từ “iPhone” thay cho “i Lúa” .

Và có vẻ sự tiên phong trong vai trò dịch chuyển ấy đang và sẽ phải thuộc về những người khổng lồ.

Phải chăng là nền kinh tế mạnh thường thuộc về những quốc gia có đủ cơ chế và hỗ trợ cần thiết để có được “những người khổng lồ”?

Theo Anh Đào

Báo Lao động