Điện thoại trong lớp học

Sự lo lắng, phản ứng của đông đảo phụ huynh về chiếc điện thoại trên lớp học là có cơ sở. Không phải chuyện “không quản được thì cấm” mà lo ngại về những quy định chung chung, nửa vời...

Đang có sự phân tâm rất lớn trong xã hội, về quy định từ tháng 11 tới đây, học sinh được dùng điện thoại di động trên lớp. Như vậy, việc cấm sử dụng điện thoại di động trong lớp học (với học sinh và kể cả giáo viên) theo quy định cũ kể từ năm 2011, nay vừa được chính Bộ Giáo dục và Đào tạo dỡ bỏ.

Nguyên văn, theo Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành ngày 15/9/2020 áp dụng cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và tương đương, thì một trong những hành vi học sinh không được làm, đó là “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép” (khoản 4 Điều 37). Được hiểu, cấm từ nay sẽ trở thành không cấm.

Điện thoại trong lớp học - 1

Lo ngại về ứng xử của giới trẻ, trong đó có học trò, với mặt trái của chiếc điện thoại thông minh là điều mà chúng ta chưa giải quyết được. 

Chỉ ngần ấy chữ, đủ để nổ ra muôn kiểu phản ứng trên mọi diễn đàn. Bởi câu chuyện về bản chất rộng lớn hơn nhiều, và lay động, đánh thức sự âu lo của toàn xã hội. Về ứng xử của giới trẻ, trong đó có học trò, với mặt trái của chiếc điện thoại thông minh. Điều mà chúng ta chưa giải quyết được. Mà ngược lại, hậu quả của nó vẫn ngày càng tăng lên.

Là phụ huynh có con từng học trường tư qua các cấp, tôi hiểu được cuộc “đấu tranh” đầy cam go của các trường này đối với việc không cho phép sử dụng điện thoại trong trường.

Trong khi trường tư mới chính là nơi dạy nhiều nhất về các kiến thức, kỹ năng mở, chứ không phải như hệ thống trường công hiện nay. Nhưng tại sao các trường tư lại có quan điểm nghiêm khắc với chiếc điện thoại trên lớp? Dù tụi nhỏ trong ba lô đi học luôn có chiếc laptop, và các bài học, làm việc nhóm đều cần đến internet.

Đó chính là sự quản lý, và xây dựng lộ trình học tập mang tính nguyên tắc trên cơ sở sử dụng internet trên lớp học. Chứ không phải sự “phó mặc” một cách chung chung cho giáo viên trên lớp.

Một phụ huynh hiện nay, chỉ với một đứa con đã đủ mệt ngoài về việc ngăn cản nó chơi games, xem nghe những thứ phản cảm, hoặc chia sẻ, bình luận chát chít bậy bạ trên mạng xã hội với điện thoại. Nói gì đến một thầy, cô giáo phải đối mặt với hơn 5 chục chiếc điện thoại được nối đầy mạng trên lớp. Ngay người lớn, cỡ chức sắc hẳn hoi, ngồi hội nghị quan trọng, còn cứ nhoay nhoáy “nghịch” điện thoại bên dưới, huống gì bọn nhỏ.

Chưa kể chiếc điện thoại nối mạng trong tay học trò trên lớp, nếu không thuộc về chương trình, giáo án được xây dựng khoa học, bài bản từ trước theo hướng tích hợp mở, hiện đại thì rất dễ phản tác dụng. Nó sẽ góp phần triệt tiêu dần kỹ năng tư duy độc lập và phản xạ ghi nhớ vào não bộ của học trò.

Như nhiều phụ huynh lo lắng, rằng con mình sẽ trở thành robot chỉ biết tra mạng tìm đáp án, văn mẫu, copy kiến thức, nhắn tin giải bài kiểm tra cho nhau,… Những thứ đáp án, lời giải mẫu cóp nhặt trên mạng sẽ đem lại điểm số đẹp hơn. Nhưng bọn trẻ sẽ học được gì, và mang theo những gì khi vào đời?

Sự lo lắng, phản ứng của đông đảo phụ huynh về chiếc điện thoại trên lớp học là có cơ sở. Ở đây không phải chuyện “không quản được thì cấm”. Mà lo ngại về những quy định chung chung, nửa vời. Như đã từng xảy ra.