Nghiên cứu khoa học: 14% chi phí là họp hành, 25% hoa hồng

Trong "scandal Dự án bò", báo chí phản ánh nhận xét của người dân rằng: “Bò thì gầy, chỉ có cán bộ là béo thôi”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng có lần chất vấn về hiện tượng cán bộ gợi ý “phần trăm” hoa hồng, thậm chí lên đến 25%-50% để được phân bổ kinh phí. Và về chuyện: Làm giàu không khó từ nghiên cứu khoa học.

Trong "scandal Dự án bò", báo chí phản ánh nhận xét của người dân rằng: “Bò thì gầy, chỉ có cán bộ là béo thôi”.

Con bò dự án ấy “cuồn cuộn gân” như cách nhìn của ông Giám đốc Trung tâm KHCN Lâm Đồng hay xác xơ tiều tuỵ sắp chết đói, có lẽ, chỉ những người dân là biết nhất.

Nghiên cứu khoa học: 14% chi phí là họp hành, 25% hoa hồng - 1
Nghiên cứu khoa học: 14% chi phí là họp hành, 25% hoa hồng - 2

Đàn bò tót F1 gồm 11 con được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Lâm Đồng nuôi, bảo tồn và nhân giống tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) nay gầy trơ xương.

Bò gầy, cán bộ béo - nhận xét ấy chỉ là hình ảnh hoá, đời sống hoá một chi tiết mà năm 2015, đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng từng chất vấn Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyên Quân về hiện tượng cán bộ gợi ý “phần trăm” hoa hồng, lại quả, thậm chí lên đến 25%-50% để được phân bổ kinh phí.

Kinh phí cho nghiên cứu khoa học hàng năm từ 1,4-1,8% tổng chi ngân sách nhà nước, chiếm từ 0,4-0,6% GDP. Dù ít so với thế giới, nhưng là trên dưới 3.000 tỉ tiền thuế dân.

Đổi lại, không ít là những nghiên cứu cất ngăn kéo “vì đi trước thời đại”. Đổi lại, là những phết phẩy, phần trăm, hoa hồng. Và đổi lại, là đấy, những dự án bò - 5 tỉ bạc coi như ra sông ra bể.

Báo cáo tổng kết các chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 có một con số thế này: Trong tổng kinh phí 1.833 tỉ đồng cho 15 công trình trọng điểm, có 248 tỉ, chiếm khoảng 13,8% là chi phí cho công tác phí, cho hội nghị, hội thảo.

Nếu cộng cả khoản kinh phí chi cho nguyên vật liệu phục vụ nghiên cứu khoảng 482 tỉ đồng (khoảng 26,3%) thì tổng số kinh phí "không tham gia trực tiếp cho phát triển nguồn lực KHCN" chiếm khoảng 40%”.

Và mỗi bài báo quốc tế tốn kém đến 10 tỉ đồng. Từ thuế dân, đương nhiên.

Sau bao năm, kinh phí nghiên cứu vẫn là chuyện la làng mỗi năm. Đề tài cất ngăn kéo- vẫn là chuyện đau đầu của các thế hệ bộ trưởng.

Còn hiệu quả ư?

5 tỉ đồng đốt trong dự án bò để đổi lại là đàn bò tiều tuỵ, xác xơ, sắp chết đói, thật ra, chỉ là một trong số các thất bại mà thôi.

Năm 2015, đã có Đại biểu Quốc hội nói về “sự lãng phí vô cùng lớn” với những nghiên cứu không thể ứng dụng, về chuyện nghiên cứu khoa học là một cách kiếm tiền khá dễ dàng... Và Đại biểu Quốc hội này đặt câu hỏi về “Cách kiểm soát và quy trách nhiệm”.

Bộ trưởng Nguyễn Quân khi ấy trả lời bằng một lời than thiếu tiền: Bình quân, mỗi nghiên cứu chỉ dành được 1 tỉ đồng, mỗi cán bộ chỉ 30 triệu. Lãng phí là do đầu tư không tới ngưỡng. Giải pháp của ông: “Đầu tư cho một đề tài nếu như không tới ngưỡng thì đề tài đó rất dễ thất bại”.

Vẫn là chuyện tiền.

Cho nên, cái dự án bò là dễ hiểu thôi.