Thi 9 - 10 điểm/môn vẫn trượt, không trầm cảm cũng sốc

Cho dù các ý kiến đề xuất có táo bạo hay xa lạ, thì phải thừa nhận rằng, cách thi tuyển vào đại học của Việt Nam hiện nay quá lạc hậu.

Thi đạt điểm 8 - 9/môn vẫn trượt đại học, với những ngành có điểm chuẩn cao từ 28 - 30, nhiều thí sinh đạt 10 điểm/môn vẫn trượt đại học nguyện vọng 1. Học giỏi đến vậy vẫn thi trượt, không trầm cảm cũng sốc.

Đồng ý thi đại học thì lấy điểm từ trên xuống, nếu điểm cao nhưng có người cao hơn dù 0,05 điểm thì vẫn trượt, nhưng điểm thi đạt 9 điểm, thậm chí có môn 10 điểm vẫn trượt là không bình thường. Trước thực tế này, cần phải xem xét lại cách thi cử mà chúng ta đang áp dụng hiện nay.

Thi 9 - 10 điểm/môn vẫn trượt, không trầm cảm cũng sốc - 1

Nếu cho rằng thí sinh xuất sắc thì điểm thi sẽ cao hơn sẽ giỏi hơn thì chưa chắc. Bởi vì, có những em học theo niềm đam mê của mình, không học đều các môn. Điển hình như Ngô Quý Đăng, học sinh xuất sắc nhất kỳ thi Toán quốc tế vừa qua khi mới lớp 10, nhưng từng bị Trường chuyên Amsterdam loại bỏ vì học bạ có điểm 9, vì các thí sinh năm đó toàn điểm 10.

Xin hỏi, giữa một học sinh có cái đầu đoạt giải Vàng Toán quốc tế và học sinh toàn điểm 10 các môn thì ai mới là tài năng? Có lẽ ai cũng biết một tài năng xuất chúng hơn vạn người chuyên cần.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, nhưng lấy điểm vào đại học thì các trường đại học không chủ động về tuyển dụng. Cho nên, cần bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, thay vào đó là tích lũy tín chỉ. Học sinh nào đủ tín chỉ thì tốt nghiệp. Cách học này hiện đại, học sinh chủ động lộ trình học theo xu hướng hướng nghiệp sớm, bỏ thi cử hình thức, tốn kém và lãng phí.

Bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, thì các trường đại học sẽ chủ động tuyển sinh, chủ động trong ra đề thi, sàng lọc chất lượng thí sinh chặt chẽ hơn.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân - còn đề xuất nên tham khảo cách tuyển sinh của các trường đại học nổi tiếng thế giới. Họ tuyển chọn nhân tài không chỉ hoàn toàn dựa vào điểm thi, mà còn thực hiện một cuộc phỏng vấn, nộp một bài luận. Qua tiếp xúc trực tiếp từ buổi phỏng vấn, qua bài luận sẽ bộc lộ “chân dung” của tài năng.

Theo tiến sĩ Đàm Quang Minh, các trường đại học TOP của Việt Nam nên chọn thí sinh 26 điểm trở lên, thực hiện phỏng vấn làm kỳ thi tuyển dụng thì sẽ hay hơn. Đây là một đề xuất táo bạo, chưa có “tập quán” ở Việt Nam, nhưng không có cách nghĩ mới sẽ không bao giờ có sản phẩm mới.

Cho dù các ý kiến đề xuất có táo bạo hay xa lạ, thì phải thừa nhận rằng, cách thi tuyển vào đại học của Việt Nam hiện nay quá lạc hậu. Cần thay đổi để phù hợp hơn, tuyển chọn thí sinh có tính phân loại chất lượng cao hơn.