Khổ vì của hồi môn

Mỗi năm có hơn 200 phụ nữ Bangladesh bị chủ nợ hoặc xã hội đen giết chết vì không thể trả nổi món nợ vay trước đó để làm của hồi môn.

Shefali Begun lên giường với cái bụng trống rỗng. Chẳng còn lại gì sau bữa ăn của chồng và 4 đứa trẻ. Như hàng triệu phụ nữ Bangladesh khác, chị chằng một lời than phiền, dù đã "cắm mặt vào đất" cả ngày trời.

 

"Có gì đâu, chuyện bình thường thôi mà, vì chúng tôi là một gia đình nghèo", người phụ nữ này tỏ ra cực kỳ bình thản.

 

Shefali làm việc cho một nông trại cách thủ đô Dhaka, Bangladesh 193km về phía Đông. Đồng lương 100 taka/ngày (khoảng 23.000 đồng) là thu nhập chính cho cả gia đình 6 người.

 

Trường hợp của Shefali Begun được xem là khá may mắn. Nhiều trường hợp khác còn bi thảm hơn, tất cả chỉ vì họ không có món tiền hồi môn khi đi lấy chồng.

 

Theo phong tục, một cô gái Bangladesh khi lấy chồng phải có của hồi môn theo đòi hỏi của nhà chồng. Của hồi môn có thể là tiền mặt, vàng bạc, nữ trang, đồ đạc... đưa trước hoặc trả dần sau đám cưới. Đây chính là cách kéo ghì cả cuộc đời người phụ nữ.

 

Beauty Akhtar lập gia đình với Muntaj Ahmed được hai năm rưỡi. Bố cô chấp nhận đòi hỏi của chú rể về hồi môn 30 vạn taka (khoảng 7 triệu đồng).

 

Nhưng với lòng tham vô đáy, Muntaj bắt đầu tra tấn vợ để vòi thêm của hồi môn. Hắn nhốt Beauty vào căn phòng kín suốt 3 ngày, không cho ăn uống. Trước đó, Beauty từng bị chồng, bố mẹ và cả anh chị chồng xúm lại đánh đập chỉ vì món hồi môn "không xứng đáng".

 

Những con số về nạn bạo hành ở Bangladesh liên quan đến của hồi môn đã lên đến con số báo động. Theo một báo cáo của Tổ chức Odhikar, trong năm 2004, đã có đến "267 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của vấn đề của hồi môn. Trong đó có 165 người bị giết, 77 người bị tạt axít, 11 người bị ép đến phải tự tử".

 

Lấy chồng, phụ nữ Bangladesh bắt đầu những chuỗi ngày của những mất mát: mất tự do và mất cả những quyền cơ bản của con người. Thậm chí, ngay cả tên của chồng, họ cũng không được phép gọi thẳng ra.

 

Nhưng một điều nghịch lý, chính họ lại bị biến thành lao động chính nuôi sống cả gia đình. "Số tôi vốn khổ", Masuma, một hàng xóm của Shefali tâm sự: "Lúc bé, tôi có rất nhiều ước mơ. Trước khi lập gia đình, tôi hy vọng nhiều lắm. Nhưng khi trở thành vợ và làm mẹ, tôi biết rằng tất cả những ước mơ và hy vọng đã tan thành mây khói".

 

Theo Tiếp Thị và Gia Đình