Quảng Nam:

Quặn lòng nhìn những làng rau quả thiệt hại nặng sau mưa lũ

Công Bính – Ngô Linh

(Dân trí) - Sau đợt mưa to kéo dài kèm lũ lớn, nhiều ha rau màu của người dân Quảng Nam bị thiệt hại nặng. Các vườn rau gần như hư hại hoàn toàn, nông dân phải phá bỏ để chuẩn bị đất trồng vụ mới.

Làng rau Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc) là vùng trồng rau lớn của tỉnh Quảng Nam, sau cơn mưa lũ qua đi chỉ còn lại cảnh xác xơ, tiêu điều. Nhiều ha hoa màu bị thiệt hại chủ yếu là đu đủ, bắp, chuối, rau...

Quặn lòng nhìn những làng rau quả thiệt hại nặng sau mưa lũ - 1

Cảnh xác xơ, tiêu điều ở làng rau Bàu Tròn, vùng trồng rau lớn nhất tỉnh Quảng Nam sau mưa lũ

Quặn lòng nhìn những làng rau quả thiệt hại nặng sau mưa lũ - 2

Đu đủ là loại cây không chịu được mưa lớn kéo dài, ngập lụt nên dễ thối rễ, dù tiếc nhưng người dân phải phá bỏ

Theo nhiều nông dân tại đây cho biết, hiện tại đã là cuối vụ thu hoạch nên mức độ thiệt hại chưa tính là nặng nề. Do kinh nghiệm dân gian thời điểm này thường bắt đầu vào mùa mưa lũ, nên họ cũng hạn chế xuống giống. Chỉ tiếc một số vườn trồng đu đủ của người dân còn có thể thu hoạch, nhưng gặp mưa dài ngày và lũ nên bị thối rễ, hư hại phải phá bỏ.

Quặn lòng nhìn những làng rau quả thiệt hại nặng sau mưa lũ - 3

Theo ông Đặng Văn Chín (thôn Bàu Tròn, xã Đại An, Đại Lộc), vườn đu đủ 150 cây của ông còn có thể cho thu hoạch 2 tuần nữa, nhưng lũ năm nay về sớm làm hư hại cây thiệt hại vài triệu đồng

Bên cạnh đó, nhiều vườn rau, bắp của người dân trồng muộn vì để vớt vát cho vụ mùa bị nắng hạn kéo dài nhưng nay gặp lũ về sớm, mưa to liên tục nhiều ngày nên coi như mất trắng.

Quặn lòng nhìn những làng rau quả thiệt hại nặng sau mưa lũ - 4

Vườn bắp nếp gần 5 sào của người dân đã được hơn 2 tháng, sắp cho trái nhưng giờ chỉ mang về cho bò ăn

Đang lầm lũi vớt vát lại ít khổ qua bị hư hại bán cho thương lái, bà Phạm Thị Hạnh (làng rau Bàu Tròn) cho hay, vụ mùa này chị trồng 4 sào khổ qua, bí các loại nhưng nay hư hại hoàn toàn. Vì mảnh đất nằm ở địa thế cao nên lũ thấp, nhưng do mưa to kéo dài nhiều ngày đã khiến vườn rau quả của chị bị úng nước.

Quặn lòng nhìn những làng rau quả thiệt hại nặng sau mưa lũ - 5

Mưa lớn kèm theo gió mạnh đã làm hư hại nhiều vườn chuối của người dân

Đây là lứa đầu tiên thu hoạch nhưng chỉ cho về chục ký, dáng quả cũng kém. Theo bà Hạnh, các trái non bị rụng hết, không có khả năng cho thêm quả. Trời nắng lên sẽ héo rũ toàn bộ nên phải tranh thủ hái được trái nào thì hái.

Quặn lòng nhìn những làng rau quả thiệt hại nặng sau mưa lũ - 6

Nhiều vườn rau trồng muộn của người dân cũng gần như mất trắng

“Đây đúng là năm tam tai, đợt nắng hạn kéo dài tôi phải tưới nước liên tục nhưng cây cũng xoăn lá. Sau đó gặp đợt dịch Covid-19 rau củ bán không được, rớt giá. Đợt này tôi trồng lại mớ khổ qua, bí trên 4 sào đất, vì địa thế cao nên lũ có lên cũng thấp và nhanh rút, nhưng khổ là gặp mưa to kéo dài nhiều ngày. Coi như mất hết, còn đám bắp nếp gần 2 sào ở vùng thấp lụt cũng hư hại”, bà Hạnh buồn bã nói.

Quặn lòng nhìn những làng rau quả thiệt hại nặng sau mưa lũ - 7

Bà Hạnh cố gắng vớt vát lại nhưng cũng chẳng bao nhiêu

Phá bỏ gần 200 cây đu đủ trong vườn của gia đình, ông Huỳnh Văn Nhân (người dân làng Bàu Tròn) chia sẻ, đu đủ là loại cây không chịu được mưa lớn và lũ ngập nên dễ bị úng nước, hư hại, dù tiếc nhưng đành phải phá bỏ để làm vụ mới.

Quặn lòng nhìn những làng rau quả thiệt hại nặng sau mưa lũ - 8

Một số luống mới gieo trồng khổ qua cũng phải bỏ, số tiền đầu tư giống, bạt phủ, phân bón… khá lớn

“Hai năm rồi chưa có lũ, những người làm nông như chúng tôi thấy lũ về cũng lo đấy nhưng cũng mừng bởi lũ về giúp diệt bớt các loại động vật gây hại, rửa trôi đất cũ và bồi tụ thêm bùn non để vụ sau dễ gieo trồng. Nếu đu đủ này để lại thì tôi có thể thu về tầm hơn 1 triệu nữa”, ông Nhân nói thêm.

Quặn lòng nhìn những làng rau quả thiệt hại nặng sau mưa lũ - 9

Bà Chín đang dọn dẹp lại số giàn tre của gia đình trôi đến ruộng của hộ khác, trong khi vườn của bà cách hiện trường gần 200m

Ôn Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch xã Đại An (huyện Đại Lộc) cho hay, qua thống kê sơ bộ, trong đợt lũ vừa qua, xã Đại An thiệt hại khoảng 180 ha hoa màu, trong đó nhiều nhất là bắp, đu đủ, chuối. Không chỉ thiệt hại về tài sản, xã Đại An còn có 6 người bị thương do mưa lũ, toàn bộ nhà dân trên địa bàn bị ngập sâu từ 0,5-1m, hơn 800 con gà, vịt chết.

Tương tự, mưa lũ liên tiếp những ngày qua đã làm ngập úng các vườn rau hữu cơ tại làng Trà Quế và Thanh Đông (TP Hội An) khiến cuộc sống, sinh kế của nhiều hộ dân gặp khó khăn.

Quặn lòng nhìn những làng rau quả thiệt hại nặng sau mưa lũ - 10

Làng rau Trà Quế - Hội An tan hoang, thiệt hại nặng sau mưa lớn kéo dài

Tại làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà), mưa lớn kéo dài những ngày qua đã làm hàng chục ha rau nơi đây bị hư hại hoàn toàn, phần lớn là rau chuẩn bị thu hoạch như rau thơm, mồng tơi, rau muống, cải đỏ…

Một số hộ dân ở đây cho biết, sau đợt mưa lũ vườn rau không còn cứu vớt được gì, phải nhổ bỏ toàn bộ để chuẩn bị đất cho vụ mới. Để có rau cung cấp ra thị trường thì cần khoảng gần 1 tháng nữa.

Quặn lòng nhìn những làng rau quả thiệt hại nặng sau mưa lũ - 11

Các lứa rau đang độ thu hoạch bị dập nát, héo úa. Hiện tại giá rau trên thị trường tăng cao nhưng làng rau lại không có để cung ứng thị trường

Theo ông Trang Thạch Hùng (Trưởng thôn Trà Quế), toàn thôn có 190 gia đình trồng 18,5 ha rau sạch, với hơn 20 loại rau các loại như cải, cải cúc, xà lách, hành, rau muống và các loại rau thơm như rau húng, mùi, kinh giới, tía tô để cung ứng cho thị trường, mỗi ngày xuất ra thị trường gần 2 tấn rau nên thiệt hại là rất lớn. Chưa kể cuộc sống, sinh kế của các hộ dân trong thời gian tới cũng sẽ rất khó khăn.

Tại vườn rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh), nước lũ đã làm ngập úng hơn 1 ha rau vừa mới gieo trồng lại sau cơn bão số 5.

Quặn lòng nhìn những làng rau quả thiệt hại nặng sau mưa lũ - 12

Người dân tranh thủ nắng lên gieo trồng lại các luống rau mới, nhưng phải gần 1 tháng nữa mới có rau

Ông Nguyễn Văn Chức - Chủ nhiệm HTX Rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông cho hay, chỉ trong vòng 1 tháng làng rau bị thiệt hại hai lần. Sau khi nước rút đi, muốn xử lý đất, xuống giống, phục hồi lại vườn rau phải mất khoảng 1 tháng.

Bên cạnh đó, nhiều vùng sản xuất rau, hoa màu thuộc các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Nông Sơn… cũng bị thiệt hại nặng nề sau mưa lũ.

Theo thống kê, sau đợt mưa lũ vừa qua toàn tỉnh Quảng Nam thiệt hại 487 ha lúa, 1.224ha rau màu, 30 ha cây trồng lâu năm, 21 ha cây trồng hằng năm; hơn 9.300 con gia súc, gia cầm bị chết…