Tranh cãi vụ cả chung cư phải bồi thường cái chết của một em bé

Nhân Hà

(Dân trí) - Một em bé ở thành phố Toại Ninh (Trung Quốc) đã tử vong sau khi bị một quả bóng kim loại từ trên trời rơi trúng người. Cảnh sát đã tiến hành điều tra rốt ráo nhưng không tìm ra thủ phạm.

Tranh cãi vụ cả chung cư phải bồi thường cái chết của một em bé - 1

Cụ thể, trong trường hợp này, Toà án thành phố Toại Ninh (Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã yêu cầu mỗi hộ dân trong toà nhà phải trả 3.000 tệ (khoảng 10 triệu VNĐ) cho gia đình cháu bé.

Quyết định gây tranh cãi này được đưa ra sau gần 4 năm xảy ra vụ việc (tháng 11/ 2016).

Vào ngày định mệnh đó, cô Li đang đẩy đứa con gái 1 tuổi “Yanyan”đi dạo trên con phố ở Toại Ninh và một trái bóng kim loại cỡ nắm tay đã rơi đúng vào đầu em bé.

Tranh cãi vụ cả chung cư phải bồi thường cái chết của một em bé - 2
Quả bóng giết chết bé Yanyan.

Theo thông tin tường thuật trên truyền thông thời điểm đó, đứa trẻ đã bất tỉnh, không kịp kêu khóc tiếng nào khi bị quả bóng sắt rơi trúng. Yanyan đã được đưa ngay vào viện và đã qua đời đêm đó, khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là tròn 1 tuổi.

Trong các clip lan truyền trên mạng xã hội, mẹ của bé Yanyan cho biết cô không thiết sống nhưng vì muốn bắt được thủ phạm, đòi lại công bằng cho con gái nên cô đã cố gắng vượt qua.

Trong suốt 1 tháng ròng, bố mẹ của Yanyan đã đi hỏi khắp toà nhà để tìm manh mối nhưng không ai biết chủ nhân của trái bóng. Vậy là cặp đôi này đã khởi kiện cả toà nhà.

Cuối tháng 8/2020, toà án đã ra quyết định tất cả các căn hộ trong toà nhà 8 tầng - ngoại trừ các căn hộ không người ở - sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới và phải bồi thường.

Bởi theo Điều 87, Luật Trách nhiệm pháp lý, việc định tội được áp dụng trong trường hợp “tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các vật thể ném, rơi không xác định được. Chỉ cần chủ nhà hay người sử dụng căn nhà không chứng minh được rằng họ không có lỗi thì bị coi là có lỗi”.

“Mặc dù chỉ có 1 người thực hiện hành vi trên nhưng luật nên bảo vệ những người yếu thế và cân bằng lợi ích của tất cả các bên. Điều này sẽ giúp an ủi nạn nhân cũng như là một cảnh báo mạnh mẽ với cộng đồng", đại diện toà án tuyên bố.

Nhiều tranh cãi về phán quyết của Toà

Rất nhiều người dân Trung Quốc cho rằng gia đình nạn nhân đòi được công bằng nhưng lại không công bằng với các chủ thể khác trong toà nhà.

Số khác cho rằng Toà án dường như đã vội vàng đưa ra phán quyết cho một vụ việc, trong khi còn rất nhiều vụ việc nghiêm trọng hơn thế chưa được giải quyết.

Những người khác lại chỉ trích cảnh sát đã không tìm ra thủ phạm - kẻ phải nộp phạt 1 triệu nhân dân tệ, thay vì chia đều cho các chủ hộ trong toà nhà.

Họ thắc mắc vì sao không lấy dấu vân tay trên quả bóng? Và quả bóng này thường đi theo cặp, là vật dụng tập thể dục (giúp tập cơ, giải trí, tăng cường tuần hoàn, giảm huyết áp, cải thiện giấc ngủ…) ưa thích của đàn ông trung niên Trung Quốc.

Tranh cãi vụ cả chung cư phải bồi thường cái chết của một em bé - 3
Bóng kim loại thường đi theo cặp

Một số người lại cho rằng cần phải phạt mỗi căn hộ số tiền cao gấp 10 để họ buộc phải cung cấp thông tin manh mối vụ việc.

Một số gia đình cho biết họ sẽ kháng cáo bởi họ không có mặt ở nhà vào thời điểm xảy ra tai nạn.

Theo tờ Tin tức Bắc Kinh, phán quyết này của Toà là “công lý hạng hai" và cho rằng cảnh sát cần phải tiếp tục điều tra để tìm ra thủ phạm thật sự.

Zhang Xingjin, một luật sư của Văn phòng Luật Shandong Qilu,cho rằng khi áp dụng Điều 87, Toà án đã nhấn trọng tâm là sự cảm thông với các nạn nhân và bảo vệ an toàn công cộng.

“Mặc dù nó có vẻ không công bằng, nhưng nó có lẽ là cách tiếp cận nhân đạo nhất cho đến nay. Ít nhất nó sẽ buộc mọi người - cư dân và ban quản lý tòa nhà - phải thận trọng hơn. Nó cũng sẽ thúc đẩy việc cải thiện các biện pháp và quy định an toàn trong các khu dân cư địa phương”, luật sư Zhang nói.

Còn với gia đình Yanyan, “Dù có thế nào đi nữa, sẽ chẳng có gì khiến con gái tôi có thể sống lại", bố của bé Yanyan nói.