Bé 5 tuổi tự tử nghi do học theo Youtube: Đừng để “sự đã rồi”

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Mới đây, một bé 5 tuổi tự tử ở TP Hồ Chí Minh vì nghi học theo trò treo cổ khi xem Youtube khiến dư luận sửng sốt, bàng hoàng, nhất là những gia đình có con nhỏ.

Hiểm hoạ từ những video “độc”

Bé gái tên là V.T.D., 5 tuổi. Theo gia đình, vào thời điểm xảy ra sự việc, D. vừa xem xong một video hướng dẫn trò thắt cổ trên mạng.

Tò mò, bé D. đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà làm theo. Khi được người nhà phát hiện, bé đã ở trong tình trạng mặt mũi tím tái, không còn hơi thở và không qua khỏi.

Được biết đây không phải trường hợp hi hữu bởi từ trước đến nay, một số câu chuyện đau lòng đã xảy ra, liên quan đến trẻ tự tử do bắt chước hành động trên mạng Internet.

Theo PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội), mạng Internet có nhiều hiểm hoạ.

Đặc biệt, nhiều kênh có video bạo lực, một số nội dung quảng cáo không phù hợp nội dung phim trẻ em.

Bé 5 tuổi tự tử nghi do học theo Youtube: Đừng để “sự đã rồi” - 1

Bé 5 tuổi tự tử ở TP Hồ Chí Minh vì nghi học theo trò treo cổ khi xem Youtube khiến dư luận sửng sốt, bàng hoàng.

Có nhiều hành vi nguy hiểm, dụ trẻ bắt chước cách thức tự gây hại cho bản thân đến những hướng dẫn tự tử.

Các em có thể vướng vào các mặt tối của thể giới ảo như: Bắt nạt, quấy rối trên mạng.

Đặc biệt, một số em có thể bắt chước tham gia các thách thức như ấn vào ngực cho nghẹt thở đến mức ngất xỉu hay thách thức tự đốt bản thân rồi dập lửa...

Bên cạnh đó, các video “thánh chửi” dạy chửi bậy, dạy ăn sống nuốt tươi, video dạy hút thuốc, dạy nhả khói thuốc điện tử…, là nguy cơ không nhỏ với giới trẻ.

“Thậm chí có nghiên cứu đã chỉ ra, những người xem Youtube sẽ hút thuốc lá điện tử và thuốc smokeless nhiều hơn.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, rất nhiều quảng cáo rượu đã được chiếu cho các em trong tuổi vị thành niên, cung cấp những nội dung rất phản khoa học.

Chính vì những độc hại này, bản thân Youtube cũng phải thành lập một đội ngũ thực hiện nhiệm vụ lọc các video phản cảm, với mức lương đền bù độc hại nghề nghiệp khá cao.

Trong khi bố mẹ, gia đình lại không quan tâm đến việc để con mình tiếp xúc với các nội dung độc hại như thế nào”, PGS Thành Nam nói.

Chuyên gia này cũng phân tích rõ, giai đoạn từ 3-8 tuổi, vùng não trán trước của trẻ đang phát triển nên thiếu khả năng ức chế hành vi.

Trẻ có cảm giác không thể thất bại, có xu hướng muốn tự thực hiện mọi thứ để khám phá giới hạn của bản thân mình.

Các em khó phân biệt giữa thực và ảo nên sẽ bắt chước các hành vi nguy hiểm.

Ví dụ, xem ảo thuật nuốt dao lam có thể các em cũng sẽ tự bắt chước nuốt như thế. Xem phim thấy nhân vật siêu nhân bay được, cũng nghĩ mình có thể bay nên nhảy từ trên tầng cao xuống...

Môi trường Internet rất nhiều nguy cơ nhưng nhiều bố mẹ vẫn sẵn sàng đưa cho con điện thoại để rảnh tay làm việc khi con chưa có kỹ năng bảo vệ bản thân an toàn.

Bé 5 tuổi tự tử nghi do học theo Youtube: Đừng để “sự đã rồi” - 2

"Thử thách Momo", trào lưu hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân trên Internet bị nhiều người phản đối. 

Kiểm duyệt video như duyệt... thực phẩm

Trong thế giới mở, không thể để trẻ tuyệt giao với công nghệ. Tuy nhiên, cha mẹ nên dành thời gian để cùng xem Youtube với con, kiểm soát thời gian xem.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trước hết nên thiết lập nguyên tắc chỉ cho phép xem Youtube ở những không gian mở, người lớn có thể quan sát thấy trẻ đang làm gì.

Giúp trẻ nhận diện những nội dung không phù hợp, động viên con báo cho cha mẹ biết, giải thích cho con hiểu tại sao những nội dung đó không tốt.

Ngoài kiểm soát thời gian dùng Internet, cha mẹ cần nói chuyện với con về những nguy cơ, những vấn đề mà trẻ sẽ phải đối mặt trên thế giới ảo.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp kiểm soát chặt hơn nội dung video trên mạng xã hội.

“Khi Youtuber trở thành một nghề, cần được đào tạo để người dùng thực hành theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Nếu coi các nội dung sáng tạo trên Youtube là các món ăn tinh thần, cần có quy trình kiểm duyệt như kiểm duyệt thực phẩm để đảm bảo vệ sinh an toàn cho sức khỏe cộng đồng”, PGS Thành Nam cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, cùng với các giải pháp trên, cần có các chiến lược yêu cầu gắn nhãn nội dung video clip để khuyến cáo cha mẹ về các video nào phù hợp với từng độ tuổi của trẻ, khuyến cáo về các nguy cơ có thể xảy ra khi xem.

Bản thân chương trình giáo dục hướng dẫn sử dụng mạng an toàn phải được dành thời lượng trong chương trình học tại trường.

Theo số liệu một nghiên cứu giai đoạn từ năm 2011 - 2017, số lượng trẻ từ 0-8 tuổi được sử dụng điện thoại thông minh ở nhà tăng từ 41% lên đến 95%.

Tỉ lệ sử dụng máy tính bảng ở nhà tăng từ 8% đến 78% và thậm chí có đến 42% trẻ trong độ tuổi này còn được bố mẹ cho sở hữu máy tính bảng.

Thời gian trung bình các em dành cho các thiết bị di động này tăng lên gấp 3 từ 5 phút năm 2011 đến 15 phút năm 2013 và 48 phút năm 2017.

Bé 5 tuổi tự tử nghi do học theo Youtube: Đừng để “sự đã rồi” - 3

Bảng thống kê nghiên cứu tỉ lệ trẻ em dùng điện thoại thông minh và máy tính bảng từ năm 2011- 2017.

Các con số thống kê cũng cho thấy cứ mỗi phút trôi qua, người xem trung bình khoảng 4,5 triệu video clip trên Youtube.

Trong số khoảng 30 triệu trẻ em đang xem Youtube hàng ngày, có nhiều trẻ trong độ tuổi tiền học đường.

(PGS. TS Trần Thành Nam)