Giáo sư ĐH Harvard: Giáo dục Việt Nam đã làm tốt trong đại dịch Covid-19

Phong Chi

(Dân trí) - Giáo sư Fernando Reimers, Trường Đại học Havard đánh giá cao về nỗ lực của ngành giáo dục Việt Nam trong giai đoạn bệnh dịch Covid-19 vừa qua.

Giáo sư ĐH Harvard: Giáo dục Việt Nam đã làm tốt trong đại dịch Covid-19 - 1

Giáo sư Fernando Reimers, Trường Đại học Havard trao đổi tại Hội nghị trực tuyến ASEAN - UNICEF về "Chuyển đổi kỹ năng số các hệ thống giáo dục trong toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa qua.

Chúng tôi đã chọn Việt Nam làm ví dụ

Tại Hội nghị trực tuyến ASEAN - UNICEF về "Chuyển đổi kỹ năng số các hệ thống giáo dục trong toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), GS Reimers cho rằng, trong thời điểm khó khăn, những giải pháp của Bộ GDĐT Việt Nam rất quan trọng khi trường học không thể hoạt động bình thường như trước đại dịch.

“Tôi nhận thấy rằng những nỗ lực của Việt Nam đã được chuẩn bị đúng hướng”, GS Reimers nói.

GS Reimers cho hay đã cộng tác với nhiều cộng sự ở nhiều nước trên thế giới để thực hiện một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về những bài học thực tiễn mà nền giáo dục các nước đã làm tốt trong đại dịch để các nước khác có thể học hỏi.

 “Chúng tôi đã chọn Việt Nam làm ví dụ để các nước khác có thể học hỏi kinh nghiệm” - GS Reimers cho hay.

GS Reimers đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam và các nước khác trong việc tìm kiếm những cách thức học tập khác (không truyền thống) và sử dụng những công cụ khác nhau như công nghệ trực tuyến, truyền hình, truyền thanh, học liệu để đảm bảo việc học sinh không bị gián đoạn việc học.

Việc tìm các giải pháp thay thế để tiếp tục việc dạy học sinh đặc biệt quan trọng đối với những đối tượng bị ngắt quãng việc học do Covid-19. Nhiều học sinh và đặc biệt đối với những đối tượng dễ bị tổn thương, các em sẽ không quay lại trường học.

Theo GS Reimers, điều đó dễ dàng dẫn đến việc mất rất nhiều tài năng nếu học sinh không được tham gia vào việc học. Hơn nữa, việc tìm mọi cách để học sinh được học là thực sự cần thiết vì đại dịch này còn tiếp diễn trong một thời gian dài và học sinh thì không thể nghỉ học kéo dài.

Bên cạnh đó, đại dịch thể hiện sự không đồng đều giữa các học sinh trong việc tiếp cận công nghệ. “Trách nhiệm của chúng ta là phải cố gắng cân bằng khoảng cách số giữa những học sinh này”, GS nhấn mạnh.

Về vấn đề này, GS Reimers nhận định, trong đại dịch này, Việt Nam không chỉ thể hiện cam kết đảm bảo mọi trẻ em được tiếp tục việc học ngay cả khi không đến trường mà còn đã nỗ lực trong các sáng kiến và hành động để có thể hướng tới học sinh, không chỉ những em dễ tiếp cận mà còn đến những học sinh khó có thể tiếp cận nhất.

Ngoài ra, trong thời gian đại dịch này, Việt Nam đã xem thách thức này như một cơ hội để thay đổi những ưu tiên trong chương trình học, để nhìn lại và cùng nhận định những kỹ năng nào là cần thiết trong thời điểm này và cách chúng ta sử dụng bối cảnh của đại dịch như một cách để chúng ta cân bằng lại chương trình, giáo trình học một cách toàn diện hơn, tập trung vào các kỹ năng nhận thức và kỹ năng cảm xúc xã hội.

Chuyển đổi số là công cụ

Để quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đi đến thành công, GS Reimers lưu ý, cần ghi nhớ rằng, chuyển đổi kỹ thuật số không phải là điểm đến mà là công cụ dẫn tới điểm đến.

Sự chuyển đổi này cần được thúc đẩy mới mục đích rõ ràng, ví dụ như xác định cụ thể năng lực mà học sinh cần được phát triển.

“Tôi mong rằng Việt Nam tiếp tục củng cố quá trình tìm hiểu đâu là những năng lực phát triển mà học sinh cần được phát triển và sử dụng khung năng lực đó để hướng tới quá trình, nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số này”, GS Reimers nói.

GS Reimers gợi ý, đây là lúc nên nghĩ đến những kỹ năng cần phát triển là gì như: khả năng tự đính hướng, sáng kiến, khả năng tự nhìn nhận, khả năng hợp tác, khả năng xử lý vấn đề,…

Tại Hội nghị ASEAN - UNICEF về "Chuyển đổi kỹ năng số các hệ thống giáo dục trong toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”, Giáo sư Fernando Reimers đã chia sẻ phương pháp tích hợp – mối liên hệ giữa các kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi (phát triển kỹ năng trong và ngoài trường học, khung kỹ năng chuyển đổi toàn cầu, đào tạo giáo viên).

GS Reimers nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến mọi ngành nghề và tạo ra một lỗ hổng lớn về giáo dục. Nhiệm vụ của ngành Giáo dục các nước là phải lấp đầy lỗ hổng đó. 

GS Reimers cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường tính đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các nước, đặc biệt là việc chuyển đổi kỹ năng số và phát triển cả kỹ năng mềm, khả năng ứng phó khi việc học tập bị gián đoạn.

“Tôi rất vui mừng được nhìn thấy Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo trong khu vực khi tổ chức Hội nghị này trong thời điểm đặc biệt quan trọng nhằm mục đích tìm kiếm những giải pháp hiệu quả cho khu vực”, GS Reimers bày tỏ.

Gửi lời cảm ơn tới Việt Nam khi đã tổ chức sự kiện này, GS cho rằng, “đây là thời điểm mà tất cả chúng ta cần thể hiện trách nhiệm với trẻ em và sự giáo dục của trẻ em”.

GS Fernando Reimers nghiên cứu và giảng dạy về các chính sách và chương trình giáo dục đổi mới, giúp học sinh phát triển các năng lực cần thiết cho sự tham gia của công dân, công việc và cuộc sống trong thế kỷ 21.

Ông cũng làm việc trong lĩnh vực giáo dục công dân toàn cầu và cách điều chỉnh các chính sách giáo dục với việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Ông đồng thời là thành viên của Ủy ban Giáo dục Đại học Massachusetts, thành viên của Học viện Giáo dục Quốc tế.