Ngành học mới về an ninh nhằm ngăn chặn “đe dọa” từ lĩnh vực kinh tế

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Trước hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, lần đầu tiên Việt Nam mở chuyên ngành Thạc sĩ “An ninh kinh tế và An ninh tài chính”, “An ninh doanh nghiệp”, "An ninh thông tin và an ninh mạng”.

Ngành học mới về an ninh nhằm ngăn chặn “đe dọa” từ lĩnh vực kinh tế - 1

Đã xuất hiện nhiều mối đe dọa an ninh phi truyền thống đe dọa an ninh kinh tế Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống – Khoa Quản trị và Kinh doanh (HSB) – Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an cho biết, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng nhanh và sâu rộng đã mang lại nhiều cơ hội lẫn thách thức cho nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước. Đã xuất hiện nhiều mối đe dọa an ninh phi truyền thống đe dọa an ninh kinh tế Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Về an ninh kinh tế chung của đất nước đã xuất hiện nhiều mối đe dọa về chủ quyền quốc gia bị xâm phạm do các hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại, trong đó có các dự án ven biển, các dự án trong những ngành kinh tế đặc thù...

Đó là những vấn đề đe dọa đến chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng thông qua hoạt động kinh tế, đặc biệt là hợp tác kinh tế quốc tế; nguy cơ vi phạm chính sách đầu tư thông qua quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất đai, các khiếu kiện từ chính sách đầu tư thông qua quy hoạch sử dụng đất; vấn đề an ninh về môi trường thông qua các dự án đầu tư hợp tác với nước ngoài; An ninh về văn hóa xét từ về góc độ hợp tác đầu tư với nước ngoài; tác động từ toàn cầu hóa sau nhìn nhận đại dịch Covid-19 toàn cầu…

Về an ninh doanh nghiệp, theo Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, tình trạng phá sản, khủng hoảng của một số tập đoàn, công ty trên thế giới (Tập đoàn năng lượng Enron, Tập đoàn Worldcom của Mỹ, Tập đoàn dầu mỏ của Nga, Tập đoàn Parmalat của Italia) đã gợi mở nhiều bài học cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh doanh nghiệp.

Trước hết, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh là một nhân tố hàng đầu quyết định sự ổn định và an toàn tài chính doanh nghiệp. Nếu hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, sự ổn định và an toàn của tài chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Song song với hiệu quả hoạt động kinh doanh thì các khoản nợ quá lớn có thể khiến doanh nghiệp mất khả năng chi trả, từ đó dẫn đến sự phá sản và khủng hoảng tài chính của các doanh nghiệp, các tập đoàn.

Năng lực lãnh đạo của các doanh nghiệp cũng là một trong các nguyên nhân gây ra sự phá sản và khủng hoảng năng lực tài chính ở các tập đoàn thế giới nói chung và ở doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Việc để xảy ra những gian lận trong báo cáo tài chính và không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp nếu bị phát hiện, sẽ góp phần đẩy nhanh sự mất ổn định tài chính ở các doanh nghiệp, các tập đoàn.

Để đảm bảo an ninh tài chính trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến các yếu tố thay đổi khi Việt Nam hội nhập sâu và rộng hơn với khu vực và thế giới; Xây dựng doanh nghiệp trên nền tảng phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh...

Ngành học mới về an ninh nhằm ngăn chặn “đe dọa” từ lĩnh vực kinh tế - 2

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống – Khoa Quản trị và Kinh doanh (HSB) – Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an.

Theo Trung tướng Yêm, các doanh nghiệp thế giới và Việt Nam cũng đã và đang bị đe dọa về an ninh thông tin và an ninh mạng bởi vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít mối đe dọa an ninh phi truyền thống cho các doanh nghiệp, trong đó mối đe dọa lớn nhất đến từ các loại hình tấn công mạng.

Các vấn đề về an ninh mạng gia tăng theo xu hướng toàn cầu và trở thành trọng tâm hàng đầu đối với hầu hết các doanh ngiệp, như quản trị rủi ro cho cả hệ thống chứ không chỉ đơn thuần là mối quan tâm về công nghệ thông tin như trước.

Bên cạnh việc phải đối mặt với nhiều mối đe dọa trên mạng như có nguy cơ bị mất quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu bị phá hủy hoặc bị thay đổi, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những tình trạng lạm dụng dữ liệu và các loại hình tấn công mạng như lừa đảo, đánh cắp thông tin nhạy cảm, phần mềm độc hại…Chưa kể, các doanh nghiệp còn phải tuân thủ luật pháp, các quy định mới về quản lý và báo cáo các rủi ro về bảo mật, an ninh mạng.

Theo Trung Yêm cho rằng, tất cả những rủi ro an ninh mạng nếu không được doanh nghiệp quan tâm có thể dẫn đến tổn thất lớn về kinh tế, bao gồm xử lý khủng hoảng, thông báo khách hàng, khắc phục hệ thống, phí luật sư…

Để đảm bảo an ninh phi truyền thống nói chung, đảm bảo an ninh kinh tế nói riêng, vấn đề nâng cao trình độ cán bộ, người kinh doanh sản xuất đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là những kiến thức về an ninh kinh tế, an ninh tài chính, an ninh doanh nghiệp, an ninh thông tin và an ninh mạng lần đầu tiên ở Việt Nam Đại học Quốc gia Hà Nội đã mở chuyên ngành Thạc sĩ Quản trị An ninh phi truyền thống với 3 chuyên sâu “An ninh kinh tế và An ninh tài chính”, “ An ninh doanh nghiệp”, “ An ninh thông tin và An ninh mạng”.

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, cho hay, đến nay, ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng chưa có trường đại học nào có mã ngành đào tạo về Quản trị An ninh phi truyền thống, chuyên ngành An ninh kinh tế và An ninh tài chính, An ninh doanh nghiệp, An ninh thông tin và An ninh mạng.

Mục tiêu của chương trình tạo ra các Thạc sỹ quản trị an ninh phi truyền thống, có kiến thức liên ngành; có tầm nhìn và tư duy chiến lược; có kỹ năng nghiên cứu và dự báo về an ninh phi truyền thống; có khả năng tham gia hoạch định và thực thi các chiến lược và kế hoạch hành động để quản trị tốt an ninh phi truyền thống góp phần phát triển bền vững quốc gia, cộng đồng, tổ chức và doanh nghiệp.

Khóa học này, nhằm giúp học viên sau khi tốt nghiệp hiểu biết áp dụng kiến thức cơ bản của triết học để kết hợp trong nghiên cứu khoa học cũng như trong công tác quản trị an ninh phi truyền thống. Đồng thời vận dụng sáng tạo lâu dài những kiến thức chuyên sâu về an ninh kinh tế và an ninh tài chính, an ninh doanh nghiệp, an ninh thông tin và an ninh mạng trong công tác thực tiễn.

Qua đó, đánh giá được tri thức liên ngành về an ninh phi truyền thống, có thể đảm nhiệm công việc của chuyên gia trong lĩnh vực chuyên sâu được đào tạo; có tư duy phản biện; có kiến thức lí thuyết chuyên sâu để có thể phát triển kiến thức mới và tiếp tục nghiên cứu ở trình độ tiến sĩ.