Thanh Hóa: Liên tiếp xảy ra các vụ HS đánh nhau, Sở GD yêu cầu chấn chỉnh

(Dân trí) - Thời gian gần đây, trên địa bàn Thanh Hóa liên tiếp xảy ra các vụ học sinh đánh nhau, chủ yếu liên quan đến học sinh nữ, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa yêu cầu chấn chỉnh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa, trong thời gian qua, ngành đã hướng dẫn, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Thanh Hóa: Liên tiếp xảy ra các vụ HS đánh nhau, Sở GD yêu cầu chấn chỉnh - 1

Thời gian qua, trên địa bàn Thanh Hóa xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường, chủ yếu liên quan đến học sinh nữ.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn xảy ra một số vụ bạo lực học đường, gây ảnh hưởng tới tâm lý, thể chất của học sinh và các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Điển hình như một số vụ việc tại Trường THPT Lê Hồng Phong (thị xã Bỉm Sơn); Trường THCS Yên Hùng, Trường THCS Yên Lạc và Trường Tiểu học & THCS Yên Ninh (huyện Yên Định) xảy ra các vụ nữ sinh đánh bạn gây bất bình trong dư luận…

Nhằm kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các vụ bạo lực học đường xảy ra, Sở GD&ĐT yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống bạo lực học đường.

Cụ thể, thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh; xây dựng có hiệu quả trường học an toàn; môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường tại đơn vị theo quy định.

Ban hành bộ quy tắc ứng xử trong trường học phù hợp với đặc điểm cụ thể của đơn vị, có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đúng quy định đối với học sinh vi phạm bộ quy tắc ứng xử cũng như gây ra các vụ bạo lực học đường, bảo đảm tính răn đe đối với học sinh.

Đồng thời, nâng cao hoạt động của tổ tư vấn tâm lý trong nhà trường, kịp thời nắm bắt các thông tin cũng như nguy cơ xảy ra các vụ bạo lực học đường để kịp thời ngăn chặn.

Tổ chức tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên trong công tác phòng, chống bạo lực học đường. Tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường vào nội dung một số môn học và chương trình ngoài giờ chính khóa tại đơn vị.

Phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng; kỹ năng phòng tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra; không tham gia chia sẻ, bình luận... các thông tin xấu độc, không gây gây mâu thuẫn giữa các học sinh do việc chia sẻ, bình luận.

Tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình, đồng thời đề nghị phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm và có biện pháp quản lý học sinh sử dụng Internet, mạng xã hội.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt kịp thời các vụ bạo lực học đường tại đơn vị. Xử lý, khắc phục, giải quyết khi có vụ việc xảy ra và báo cáo kịp thời về Sở GD&ĐT.

Duy Tuyên