Xét giáo sư, phó giáo sư 2020: Kiểm tra chất lượng từng bài báo quốc tế

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Kiểm tra chất lượng của các bài báo, có phù hợp với chuyên ngành đăng ký của ứng viên, loại bỏ các bài có nội dung trùng lặp; kiểm tra một số thông tin như thời gian phản biện, nhà xuất bản phát hành…

Đó là một trong những yêu cầu mới trong văn bản về những thống nhất thực hiện trong xét Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) năm 2020 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước gửi Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành ngày 15/9.

Công văn số 155/HĐGSNN ngày 15/9/2020 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) gửi các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành năm 2020 đã đề nghị các hội đồng quán triệt và nghiêm túc thực hiện các quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg, các văn bản chỉ đạo của HĐGSNN và những vấn đề được thống nhất thực hiện trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS năm 2020.

Xét giáo sư, phó giáo sư 2020: Kiểm tra chất lượng từng bài báo quốc tế - 1

Việc hiểu rõ về Tạp chí ngụy tạo và cách phân biệt chúng là rất cần thiết đối với các nhà khoa học khi công bố quốc tế.

Cụ thể, về quy định Bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín, 37/2018/QĐ-TTg ghi: “Ứng viên công bố nhiều bài báo khoa học trên cùng một tạp chí trong thời gian ngắn…”, “Ứng viên công bố bài báo trên các tạp chí đã được khuyến cáo về chất lượng”, nay Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành: Kiểm tra chất lượng của các bài báo, có phù hợp với chuyên ngành đăng ký của ứng viên, loại bỏ các bài có nội dung trùng lặp (chỉ tính 01 lần) theo quy định.

Xem xét tác giả chính, các thông tin xuất bản (ngày nhận, phản hồi, chấp nhận và xuất bản), số tạp chí.

Phỏng vấn ứng viên trong phiên họp Báo cáo khoa học tổng quan để làm rõ lý do ứng viên đăng bài số lượng lớn trong thời gian ngắn như: ứng viên tham gia các nhóm nghiên cứu; xuất hiện yếu tố nước ngoài (địa bàn nghiên cứu, dữ liệu, số liệu nước ngoài, tác giả nước ngoài…).

Kiểm tra một số thông tin như: Thời gian phản biện (ngày nhận, phản hồi, chấp nhận và xuất bản); một nhà xuất bản phát hành đồng thời nhiều tạp chí;

Phỏng vấn ứng viên để làm rõ lý do đăng bài với danh nghĩa cơ quan khác với cơ quan đang công tác.

Về tiêu chí xác định tác giả chính của bài báo khoa học, Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu xác định theo quy định của từng tạp chí cụ thể (tác giả đứng đầu, tác giả liên hệ…); không chấp nhận xác nhận từ nhóm tác giả.

Đối với tiêu chí sách chuyên khảo, chương sách do Nhà Xuất bản (NXB) quốc tế có uy tín xuất bản, về xác định sách chuyên khảo, Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu dựa vào nội dung và kết cấu của cuốn sách không chỉ dựa vào cụm từ “sách chuyên khảo” in trên bìa sách.

Kiểm tra, đánh giá cụ thể cuốn sách và các thông tin liên quan như: Lĩnh vực chuyên môn, số lượng tác giả, đề tài khoa học, tài liệu tham khảo, nghiên cứu của tác giả đóng góp vào nội dung cuốn sách.

Về tiêu chí xác định Chương sách xuất bản tại NXB có uy tín trên thế giới, Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu kiểm tra kết cấu của cuốn sách thành các chương (Book Chapter hay Parts, Section), xác định cuốn sách có được tổng hợp từ các báo cáo khoa học trong hội thảo, từ các volum của tạp chí… xác định NXB có uy tín, xem xét các thông tin xuất bản.

Đặc biệt về tiêu chí, hiện tượng thẩm định, xét hồ sơ chủ yếu dựa vào Bản đăng ký của ứng viên, chưa thẩm định kỹ các minh chứng trong hồ sơ, Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu kiểm tra sự phù hợp của các minh chứng, không tính các minh chứng sai quy định; Loại bỏ các công trình khoa học trùng lặp từ 30% trở lên và có chuyên môn không phù hợp với chuyên ngành đăng ký của ứng viên.

Đối với khái niệm "không đủ" của một số tiêu chuẩn như Khoản 6 Điều 5 và khoản 5 Điều 6, Quyết định 37 ghi: Ứng viên không chủ trì thực hiện đủ 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ/Cơ sở thì Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu cụ thể: Đã chủ trì thực hiện 01 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ/Cơ sở; ứng viên đề xuất CTKH thay thế cho 01 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ/Cơ sở còn thiếu; Hội đồn đánh giá sự phù hợp đối với CTKH thay thế.

Cũng theo công văn, về điểm c khoản 9 Điều 5, Quyết định 37: Ứng viên Giáo sư không đủ số điểm biên soạn sách phục vụ đào tạo theo quy định thì phải có đủ số điểm tối thiểu tính từ biên soạn sách chuyên khảo và giáo trình; Tổng điểm quy đổi tính từ các CTKH phải đạt số điểm tối thiểu theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 5, Quyết định 37, sau khi đã trừ số điểm bù vào điểm biên soạn sách phục vụ đào tạo còn thiếu.