Cần đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá

Thu Minh

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định.

Sau lý giải về giá sách giáo khoa tăng của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã làm "nóng" các diễn đàn xã hội tạo nên cuộc tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau.

Cần đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá - 1

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. 

7 Nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản SGK

Được biết, ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nghị quyết 88 quy định: "Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK); có một số SGK cho mỗi môn học."; "Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông".

Tại thời điểm thảo luận Nghị quyết 88, đa số các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận trong xã hội đều mong muốn thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, xã hội hóa trong biên soạn SGK và tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các bộ sách, giao quyền chủ động lựa chọn SGK cho các trường (theo đúng xu thế quốc tế).

Theo điều 5, Luật Xuất Bản, có 7 Nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản SGK (trong đó có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Với việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, các doanh nghiệp (nhà xuất bản) khác nhau sẽ được tham gia in ấn, phát hành… đồng thời, cơ chế tài chính của bộ sách mới và bộ sách hiện hành khác nhau, các NXB tự bỏ tiền chi cho khâu biên soạn sách nên giá sách chịu các yếu tố tác động của thị trường, giống các sản phẩm khác của thị trường.

Theo quy định của Luật Giá, giá SGK do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường; đồng thời  thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách.

Bộ GD-ĐT chỉ đạo ra sao?

Một lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các Nhà xuất bản kê khai giá SGK; rà soát tiết giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá sách SGK; phối hợp với các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cung cấp SGK cho học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hỗ trợ thư viện trường học để có đủ SGK.

Theo vị lãnh đạo này, việc triển khai đổi mới SGK phổ thông thực hiện quy định của Nghị quyết 88 đã thu hút được đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia; vì được nhiều Nhà xuất bản tham gia nên việc in ấn, phát hành diễn ra trong môi trường cạnh tranh theo đúng Luật Cạnh tranh năm 2018. Không còn độc quyền trong xuất bản SGK như trước đây.

Tuy nhiên, cơ chế kê khai giá như hiện nay sẽ có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh, trong khi đó SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá.

Bộ GD-ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó sẽ tiếp tục đánh giá, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung SGK vào danh mục nhà nước định giá.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, khi so sánh giá sách giáo khoa thì phải so sánh với sách tương đồng. Tức là các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau, như sách mới cho lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10. Một hệ thống biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách.

"Các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Còn các quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành sách là các doanh nghiệp hoàn toàn tự đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính", ông Sơn nói và cho biết, năm nay bộ này chỉ đạo rất "ráo riết" để sách giáo khoa giảm được từ 10-15% so với năm ngoái, trong khi giá vật liệu, nhiên liệu tăng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, bộ sách giáo khoa thuộc chương trình năm 2016 có giá thành dao động từ 50.000 đồng đến hơn 100.000 đồng, còn giá bộ sách mới dao động từ 200.000-300.000 đồng tùy từng loại.

Theo ông Sơn, sở dĩ sách giáo khoa theo chương trình năm 2016 rẻ hơn là vì trước đây nhà nước đã bỏ tiền cho các khâu như biên soạn, thẩm định sách. Đặc biệt, sách theo chương trình cũ có khổ nhỏ hơn, giấy xấu hơn.