Đủ kiểu các khoản mua "khuyến khích" trong trường học

Hoài Nam

(Dân trí) - Có những thứ, những khoản không bắt buộc trong nhà trường nhưng thực tế, các trường có đủ cách "khuyến khích", người học khó mà không mua.

Mới đây, nhiều phụ huynh lớp 4 tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, Q.12, TPHCM bất ngờ khi con cầm về... 14 cuốn sách bổ trợ, tham khảo với tổng số tiền gần 450.000 đồng. Giáo viên phát sách cho học sinh và nhắc các em nói với bố mẹ đóng tiền. 

Đủ kiểu các khoản mua khuyến khích trong trường học - 1

Cô giáo tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, Q.12, TPHCM  phát cho con 14 cuốn sách cầm về mà phụ huynh chưa hề hỏi được ý kiến

Trong khi, phụ huynh không hề đăng ký, cũng chưa được hỏi ý kiến về việc có nhu cầu mua những cuốn sách này hay không. Giống như trên trời rớt xuống, phụ huynh chỉ việc... đóng tiền. 

Theo nhà trường, đây là những cuốn sách bài tập, luyện viết, bổ trợ cho quá trình dạy học được dùng từ nhiều năm qua. Trường khuyến khích học sinh mua chứ không bắt buộc. 

Việc khuyến khích này được trường thực hiện theo cách, nhận sách về theo sĩ số học sinh toàn trường trước khi hỏi ý kiến phụ huynh, từ đó phân về các lớp. Ở một số lớp, giáo viên "ấn định" xuống từng học sinh, phát sách cho các em cầm về  rồi yêu cầu phụ huynh đóng tiền. 

Phụ huynh rơi vào thế đã rồi. Con cầm sách về, chẳng lẽ lại mang ngược lên trả? Thành ra, gọi là khuyến khích nhưng còn hơn cả bắt buộc. 

Tại một trường tiểu học khác cũng ở TPHCM, trên website của trường cập nhật chỉ 9 đầu SGK lớp 1. Tuy nhiên, ngay khi phụ huynh chỉ mới nộp hồ sơ cho con, đã được "khuyến khích" mua đến... 23 đầu sách để biết chắc chắn con vào học tại trường. 

Đủ kiểu các khoản mua khuyến khích trong trường học - 2

Các khoản thu gồm khoản bắt buộc và khoản khuyến khích, tự nguyện tại một trường tiểu học ở TPHCM 

Tâm lý lo lắng khi nộp hồ sơ, nhiều gia đình phải mua để tìm sự yên tâm. Thành ra, nhiều đầu sách không cần thiết nhưng với cách của nhà trường, nhiều người không thể từ chối. 

Tại trường tiểu học Lê Đức Thọ, Q.12, TPHCM, nhiều phụ huynh lớp 1 chia sẻ ngoài những khoản bắt buộc, trong quy định, còn nhiều khoản tự nguyện như: nụ cười hồng, kế hoạch nhỏ, quỹ lớp, quỹ cha mẹ học sinh... Trường cũng giới thiệu khoản 245.000 đồng/năm để mua báo Nhi đồng cho con, trong khi trẻ mới vào lớp 1 chỉ mới bắt đầu học chữ. 

Theo nhà trường, đây là những khoản tự nguyện, phụ huynh có thể đóng hoặc không. Việc đọc báo cũng chỉ là trường khuyến khích. 

Việc "khuyến khích" sử dụng các sản phẩm, sách báo... ở trường học cũng tương tự kiểu "tự nguyện" ở các khoản thu. 

Khuyến khích thì không bắt buộc nhưng khó để phụ huynh từ chối, nhất là nhiều trường có đủ cách khuyến khích theo kiểu không có không được hoặc đẩy vào sự đã rồi.  

TPHCM có chỉ đạo, nhà trường không để phụ huynh bức xúc vì các khoản thu. Nhưng với những khoản đeo mác "khuyến khích", "tự nguyện", phụ huynh bức xúc thì không có cơ sở vì ai bắt anh đóng, ai bắt anh mua? Còn anh mua, nghĩa là anh tự nguyện. Không bức xúc mà thật ra càng bức xúc.

Nhà trường vừa khuyến khích vừa tham gia phân phối, bán... đã mặc nhiên gây áp lực cho phụ huynh. 

Chưa kể, nhiều kiểu khích lệ của không ít trường chỉ rõ : Ở trường sẽ dùng những thứ này, không có là rất khó! Chẳng khác vừa đá bóng vừa thổi còi là bao.

Đủ kiểu các khoản mua khuyến khích trong trường học - 3

Phụ huynh bị áp lực rất lớn với những sản phẩm "khuyến khích" hay các khoản "tự nguyện" trong trường học (Ảnh: Phú Thọ)

Khuyến khích học trò đọc sách là một điều nên, giới thiệu cho học trò một cuốn sách là rất đáng trân trọng. Nhưng khuyến khích học sinh mua những cuốn sách mà mình bán thì lại là vấn đề khác, là chuyện của dân buôn. 

Mà buôn ở đây cũng là cuộc chơi không đẹp khi "sản phẩm" được chính những người "thổi còi" khuyến khích. 

Cũng xuất phát từ tinh thần "khuyến khích" này mà nhiều thể lại sách "rộng đường" được đưa vào nhà trường. Thậm chí những tài liệu lẽ ra dành cho cho giáo viên nhiều nơi cũng khuyến khích học sinh nên mua, còn hữu ích thế nào, sử dụng hay không là chuyện khác. 

Với thực trạng đó, hoàn toàn có lý khi mới đây, Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT cần phải sửa đổi, bổ sung quy định không chỉ cấm sách tham khảo trong trường học mà phải cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học.