Học sinh dùng điện thoại để học tập: Cấm hay “nới lỏng” có kiểm soát?

PGS.TS Trần Thành Nam

(Dân trí) - Thông tin học sinh có thể dùng điện thoại phục vụ học tập khi giáo viên cho phép gây nhiều tranh luận. Việc triển khai cần cân nhắc, chuẩn bị kỹ từ ba phía: Người dạy, người học và phụ huynh.

Trên đây là ý kiến của PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) về thông tin học sinh có thể dùng điện thoại phục vụ học tập khi giáo viên cho phép.

Nhiều sách tích hợp công nghệ

Dư luận đang tranh cãi liên quan đến Thông tư 32/TT-BGDĐT, ban hành Điều lệ trường THCS và THPT, áp dụng từ ngày 1/11/2020 của Bộ GD&ĐT.

Trong đó có nhiều người hiểu, học sinh cấp THCS, THPT sẽ được dùng điện thoại để học tập ở một số trường hợp nếu giáo viên cho phép.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc học tập qua di động đang là xu thế và không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, việc triển khai cần cân nhắc, chuẩn bị kỹ từ ba phía: Người dạy, người học và phụ huynh.

Hiện tại, trên các lớp học, xu hướng học qua thực tế ảo, thực tế tăng cường đang lên ngôi thì HS cần phải mang theo thiết bị di động đi để học tập.

Có nhiều sách tích hợp công nghệ thực tại tăng cường. Thí nghiệm in trên sách khi được nhìn qua ứng dụng điện thoại sẽ trở thành một đoạn phim mô tả chi tiết thí nghiệm.

Các mảnh giấy hóa chất, khi nhìn qua ứng dụng điện thoại sẽ biến thành các cấu trúc phân tử hóa học giúp học sinh học hiệu quả hơn.

Học sinh dùng điện thoại để học tập: Cấm hay “nới lỏng” có kiểm soát? - 1

Điểm khác biệt của giáo dục 4.0 so với trước đây.

Thế giới vẫn còn tranh cãi

Công nghệ của nền giáo dục 4.0, việc giảng dạy và học tập sẽ diễn ra mọi nơi mọi lúc với các thiết bị cầm tay kết nối internet.

Vì các thiết bị di động đang trở nên rất phổ biến nên chính UNESCO đã khuyến nghị các Chính phủ hợp tác xây dựng, tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ cung cấp thiết bị di động nhằm mở rộng học tập trực tuyến.

Trên thế giới, nhiều quốc gia cấm triệt để hoặc siết chặt việc dùng điện thoại trên lớp học nhưng một số quốc gia áp dụng sáng kiến học tập qua di động, thậm chí được tích hợp vào các chính sách giáo dục và đưa vào nhà trường.

Việc sử dụng các thiết bị di động cho các dự án này thường nhắm đến mục tiêu nâng cao trình độ giáo dục và xóa mù chữ.

Ví dụ ở Pakistan, nơi vẫn còn sự chênh lệch giới tính trong tiếp cận việc học, một dự án đã được thực hiện với 250 cô gái sống ở khu vực nông thôn Bang Punjab.

Theo đó, các đối tượng này được cung cấp thiết bị di động để cải thiện kỹ năng tiếng Anh bằng cách nhận SMS hàng ngày.

Những quốc gia có cơ sở hạ tầng CNTT mạnh, thị trường di động cao trong khu vực, đã triển khai các sáng kiến học tập di động nhằm tích hợp các thiết bị di động vào môi trường học đường hàng ngày.

Có thể kể đến các dự án Chính phủ như Trường học thông minh ở Malaysia, FutureSchools @ Singapore (tại Singapore) và Chiến lược xúc tiến giáo dục thông minh ở Hàn Quốc…

Học sinh dùng điện thoại để học tập: Cấm hay “nới lỏng” có kiểm soát? - 2

Nhiều quốc gia cấm triệt để hoặc siết chặt việc dùng điện thoại trên lớp học nhưng một số quốc gia áp dụng sáng kiến học tập qua di động

Kiểm soát thay vì cấm

Tại Việt Nam, tỉ lệ người sử dụng điện thoại tăng cao hàng năm. Như vậy, tiềm năng phát triển học tập qua di động là phù hợp.

Học tập qua di động giúp tối đa hóa các tiềm năng giáo dục, giảm sự bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ học tập và học liệu ở các nhóm đối tượng yếm thế, nghèo đói vì hầu hết mọi người đều có thiết bị di động chứ không đủ điều kiện trang bị máy tính.

Tuy nhiên, để chính thức đưa công nghệ điện thoại thông minh vào trường học, cần có các chính sách giáo dục cấp quốc gia cụ thể.

Học sinh bây giờ dành quá nhiều thời gian sử dụng đồ công nghệ như điện thoại, máy tính, thậm chí có những học sinh dành hơn 10 tiếng mỗi ngày để sử dụng thiết bị. Điều này dễ dẫn đến thay đổi hoóc môn, gây trầm cảm.

Vì thế, cần có những chương trình tập huấn cho giáo viên biết cách kiểm soát hoặc sử dụng ứng dụng quản lý thời gian thực học sinh đang sử dụng thiết bị di động phục vụ học tập trên lớp. 

Bên cạnh đó, để tránh các lo lắng về việc lạm dụng điện thoại ở trường, hay các vấn đề an toàn, các hành vi bắt nạt trên mạng, phạm tội tình dục hoặc sex, gian lận…, cần nâng cao năng lực sử dụng mạng an toàn cho trẻ ngay từ khi bước vào cấp 1.

Với học sinh Việt Nam, việc “nới lỏng” cho dùng điện thoại phục vụ học tập trên lớp cần cân nhắc chuẩn bị kỹ càng cả từ phía người dạy (kỹ năng quản trị công nghệ) người học (kỹ năng sử dụng mạng an toàn) và phụ huynh (năng lực công dân số).

Đến tháng 1/ 2020, Việt Nam có 145,8 triệu người dùng điện thoại di động. Tỉ lệ này cao 1,5 lần tổng dân số.

Đặc biệt, trong đó có đến 68.17 triệu người sử dụng internent và 65 triệu người sử dụng mạng xã hội.

Theo Báo cáo Digital 2020