Nên có Hội đồng mới để thẩm định lại sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1

Mỹ Hà

(Dân trí) - Để có trọng tài giữa phía thẩm định, quần chúng và những người viết sách, nên lập Hội đồng mới. Nếu sử dụng Hội đồng thẩm định cũ, sẽ thiếu khách quan vì không thể phủ nhận kết quả trước đây.

Nêu rõ trách nhiệm của Hội đồng thẩm định

Trao đổi với PV Dân trí ngày 13/10, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nếu một vài ý kiến kêu ca về sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 thì không nói gì. Ở đây, cả xã hội đều lên tiếng nên các bên liên quan cần có thái độ cầu thị.

“Tôi nghĩ trước hết nên để người viết giải trình xem vì sao họ viết như vậy. Trên cơ sở giải trình ấy, để hiểu hơn lý do vì sao họ viết những điều này.

Hội đồng thẩm định đã thông qua bộ sách nhưng tại sao người dân vẫn kêu. Vậy trách nhiệm của Hội đồng thẩm định đến đâu?

Đáng nhẽ phải khiêm tốn, cho biết sẽ tiếp thu ý kiến thì qua theo dõi tôi thấy, cách thanh minh này chưa ổn, vẫn chưa nhận rõ thiếu sót”, GS Phạm Tất Dong nêu ý kiến.

Nên có Hội đồng mới để thẩm định lại sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 - 1

Nếu sử dụng Hội đồng thẩm định cũ sẽ thiếu khách quan vì không thể phủ nhận kết quả trước đây được.

Chuyên gia này phân tích, chẳng hạn các tác giả và hội đồng lý giải, đến bài đó phải dạy từ “nhá”, từ “chả” vì từ điển có những từ đó.

Nhưng khổ nỗi, từ điển viết cho người lớn, để tra cứu còn đây là sách cho trẻ em.

Vì thế cần dạy những gì trẻ em dễ hiểu và thông dụng để tập đọc, tập viết và ghép vần chứ không phải để tra từ điển như người lớn.

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, để có trọng tài giữa Hội đồng thẩm định, quần chúng và những người viết sách, nên có Hội đồng thẩm định mới, khách quan hơn.

Nếu sử dụng Hội đồng thẩm định cũ sẽ thiếu khách quan vì không thể phủ nhận kết quả trước đây.

Thứ hai, sau sự việc này cần rà soát lại xem đội ngũ viết SGK này có đủ năng lực để viết tiếp không? Nếu xác định chưa đủ, nên mạnh dạn không tiếp tục cho viết SGK lớp 2 và các lớp khác.

Thứ ba, hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm trước nhà nước về SGK, về việc loại hay sử dụng bộ sách nào. Thế nhưng để xảy ra những sai sót vừa qua, cần phải xem xét lại.

Cần báo cáo Hội đồng Quốc gia Giáo dục

Trả lời câu hỏi, SGK tiếng Việt lớp 1 đã sử dụng hơn một tháng mới phát hiện ra những bất cập này, vậy phải giải quyết ra sao?

GS.TS Phạm Tất Dong cho biết, trước đây Hội đồng thẩm định kết luận bộ SGK này dùng được và loại một số bộ sách, trong đó có SGK tiếng Việt lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại.

Đặt trường hợp nếu GS Hồ Ngọc Đại có ý kiến: Tại sao SGK này bị dân kêu nhiều nhưng vẫn dùng? Vậy SGK của tôi được nhiều địa phương đồng tình, tại sao không đưa vào sử dụng?

Nên có Hội đồng mới để thẩm định lại sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 - 2

Nếu làm gấp, phải sửa ngay các bài sai để chuyển về các địa phương có học sinh đang học.

“Tôi cho rằng, phải báo cáo Hội đồng quốc gia Giáo dục. Sau đó, báo cáo lên Quốc hội, không thể một mình Bộ GD&ĐT giải quyết việc này”, GS Phạm Tất Dong nói.

Trong khi chờ các cơ quan quản lý giải quyết, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, trước mắt cần tăng cường trách nhiệm của giáo viên, hiệu trưởng để khắc phục sai sót của các tác giả làm sách.

Nếu làm gấp, phải sửa ngay các bài sai được cho là sai, để chuyển về các địa phương có học sinh đang học.

Cũng trên cơ sở ý kiến này, trao đổi với báo chí trước đó, TS Giáp Văn Dương, Hiệu trưởng Trường Vietschool cho rằng, không nên sử dụng lại Hội đồng trước đây để thẩm định lại bộ SGK mình đã thông qua bởi việc này hơi trái khoáy.

“Nên lập hội đồng mới để thẩm định lại nếu không kết quả sẽ không khác nhiều so với lần thẩm định đầu tiên.

Lý do rất đơn giản: Nếu kết quả khác đi, chứng tỏ lần thẩm định đầu chưa chính xác.

Vì vậy, để “tâm phục khẩu phục”, tốt nhất nên lập Hội đồng thẩm định mới.

Theo TS Giáp Văn Dương, hiện nay đã giữa tháng 10 nhưng chưa có SGK lớp 2 và lớp 6 để chuẩn bị cơ sở vật chất.

Việc các nhà quản lý chưa điều tiết tiến độ làm sách, tạo ra những bộ sách gấp gáp và không được đào tạo giáo viên kĩ, giảng thử rộng rãi là một phần nguyên nhân gây nên tranh cãi vừa qua.