Điểm tuần: Động cơ hạt nhân hứa hẹn sẽ cách mạng ngành du hành vũ trụ

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Động cơ tên lửa hạt nhân chuẩn bị đến giai đoạn thử nghiệm, thế giới phải đón nhận hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do El Nino, Nhật Bản xả nước thải hạt nhân là những tin tức nổi bật tuần qua.

Dưới đây là một số tin tức khoa học đáng chú ý trong tuần qua

Động cơ tên lửa nóng hơn lõi Mặt Trời trăm lần

Công ty Pulsar Fusion có trụ sở tại Vương quốc Anh đã nghiên cứu loại động cơ tên lửa đẩy phân hạch hạt nhân trong 10 năm qua và nó sẽ được thử nghiệm tĩnh vào năm tới và trên quỹ đạo vào năm 2027.

Điểm tuần: Động cơ hạt nhân hứa hẹn sẽ cách mạng ngành du hành vũ trụ - 1

Buồng nhiệt hạch động cơ tên lửa của công ty Pulsar Fusion (Ảnh minh họa: Trust my science).

Đáng chú ý, buồng nhiệt hạch của động cơ này sẽ đạt đến hàng trăm triệu độ C, nóng gấp trăm lần so với lõi Mặt Trời. Pulsar Fusion đã phát triển một công nghệ mới cho phép đẩy nhiệt hạch vĩnh viễn thu được thông qua một lò phản ứng hạt nhân nhỏ gọn, các hạt tích điện trực tiếp tạo ra lực đẩy thay vì chuyển đổi năng lượng nguyên tử thành điện.

Lực đẩy từ động cơ này có thể đạt đến 101 newton và năng lượng cũng sẽ cung cấp điện cho các thiết bị điện tử trên tàu vũ trụ. 

Do đó, công nghệ này có thể cung cấp khả năng khám phá không gian trong thời gian ngắn trên một khoảng cách xa, giảm tỷ lệ tải trọng của tên lửa và mang lại lực đẩy cực kỳ cao.

Nếu thành công, Pulsar Fusion có thể cách mạng hóa du hành vũ trụ, thời gian di chuyển từ Trái Đất đến sao Hỏa sẽ chỉ mất 2-3 tháng thay vì 6-8 tháng, đến Sao Thổ khoảng 4 năm.

SpaceX chuẩn bị phóng tên lửa mạnh nhất thế giới lần hai

Sau lần thử nghiệm thất bại vào ngày 20/4, tên lửa mạnh nhất thế giới Starship sẽ được phóng lần thứ 2 trong thời gian tới đây. 

Điểm tuần: Động cơ hạt nhân hứa hẹn sẽ cách mạng ngành du hành vũ trụ - 2

Hệ thống đẩy chính của tên lửa trên đường vận chuyển đến bệ phóng vào ngày 20/7 (Ảnh: Space).

Ngày 20/7, SpaceX đã vận chuyển nguyên mẫu mới nhất của hệ thống đẩy Starship Super Heavy Booster 9 khổng lồ đến bệ phóng để chuẩn bị thử nghiệm. 

Trong thời gian qua, các kỹ sư của SpaceX sửa chữa và nâng cấp bệ phóng, bao gồm thêm một tấm thép giúp bảo vệ miếng đệm trong quá trình cất cánh. 

Tên lửa Starship cao tới 120 mét được trang bị 33 động cơ Raptor mạnh mẽ ở hệ thống đẩy chính. Cuộc thử nghiệm đầu tiên vào ngày 20/4 đã thất bại khi thân trên của Starship cao 50 mét không tách khỏi hệ thống đẩy Super Heavy và SpaceX đã gửi lệnh tự hủy đến phương tiện vài phút sau khi cất cánh.

Sau khi hệ thống đẩy mới được thử nghiệm mà không gặp sự cố gì, SpaceX sẽ tích hợp với giai đoạn trên của Starship và phóng tên lửa vào vũ trụ. 

El Nino khiến thế giới đối mặt nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt

Hiện tượng El Nino đang diễn ra kết hợp với biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ khiến thế giới phải hứng chịu nhiều loại hình thời tiết khắc nghiệt.

Các mối đe dọa như sự gia tăng các đợt nắng nóng chết người, sông băng tan chảy, axit hóa, mực nước biển dâng cao, thiếu nước, lũ lụt, lây lan dịch bệnh, suy giảm sản xuất lương thực, đặc biệt là sức khỏe con người. 

Bắt đầu vào mùa hè năm nay, sóng nhiệt tồi tệ nhất trong lịch sử đã bao phủ khắp châu Á, nhiều quốc gia ghi nhận nắng nóng kỷ lục. Trong khi, châu Âu đang phải đối mặt với cháy rừng do nhiệt độ cao, nước tại các sông hồ đang cạn kiệt, làm giảm năng suất nông nghiệp.

Một số vùng khác của Châu Âu cũng đang trải qua những trận mưa xối xả chết người, làm ngập các tòa nhà, gây hư hại tài sản và cơ sở hạ tầng. Vùng ven biển có nguy cơ bị nước dâng do bão, cũng như hiện tượng rét đậm, rét hại xuất hiện thường xuyên hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. 

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo: "Hạn hán sẽ xảy ra ở một số nơi trên thế giới và lũ lụt ở những khu vực khác. Đặc biệt, chúng ta phải có những phương án hỗ trợ khẩn cấp cho những khu vực đang bị mất an ninh lương thực, đặc biệt cho hơn một nửa dân số ở Nam Phi". 

Vấn đề nóng lên toàn cầu và El Nino đang gây ra những tổn thất, thiệt hại về cả con người và kinh tế trên toàn thế giới. 

Phát hiện "thuật chiêu hồn" của người La Mã cổ đại

Ở thành phố Jerusalem, các nhà khảo cổ được cho là đã phát hiện ra nghi lễ thuật chiêu hồn (nói chuyện với người chết) của người La Mã trong hang động Te'omim. Đây là một địa điểm quan trọng đối với những người ngoại giáo vào cuối thời kỳ La Mã.

Điểm tuần: Động cơ hạt nhân hứa hẹn sẽ cách mạng ngành du hành vũ trụ - 3

Hộp sọ, đèn dầu và bình hoa được khai quật trong hang động Te'omim, đây được cho là những dụng cụ để thực hành nghi lễ chiêu hồn (Ảnh: Science et vie).

Một nghiên cứu mới được công bố đến từ các nhà khoa học tại Đại học Hebrew, Jerusalem và Đại học Bar-Ilan (Isreal) đã hợp tác, khai quật vén bức màn bí ẩn trong hang động Te'omim.

Nghiên cứu hé lộ, hang động Te'omim được người La Mã sử dụng để thực hiện thuật chiêu hồn, nó che giấu một "cánh cổng dẫn xuống địa ngục".

Dựa vào một số hiện vật khảo cổ học như hộp sọ người, đèn dầu, bình hoa và tiền xu kết hợp với các văn bản cổ đại các nhà khoa học cho rằng, đây là một nghi lễ nói chuyện với người chết thời kỳ La Mã cổ đại. 

Nhà khảo cổ học, Ken Dark, Đại học King's London (Vương quốc Anh) cho biết: "Hang động này cung cấp bằng chứng quan trọng về những đa dạng của tập tục tôn giáo, sự tương phản rõ rệt giữa các hang động theo thuyết đa thần mà người La Mã sử dụng cho mục đích tôn giáo với các nhà thờ hang động Cơ Đốc giáo sớm nhất ở vùng Đất Thánh (Jeruselem)".

Các nhà khoa học khám phá ra kim loại tự phục hồi

Nhóm nghiên cứu tới từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia và Đại học Texas A&M đã khám phá ra kim loại tự phục hồi.

Ban đầu, họ dùng thiết bị chuyên dụng kéo giãn các đầu của một miếng bạch kim khoảng 200 lần mỗi giây, nhằm tạo ra những đoạn đứt gãy khi kim loại này biến dạng.

Sau đó, họ bất ngờ quan sát thấy quá trình phục hồi cấu trúc ở quy mô siêu nhỏ, khi miếng bạch kim dày 40 nanomet lơ lửng trong chân không bằng một cách nào đó đã "tự chữa lành".

Kết quả là chỉ sau khoảng 40 phút quan sát, vết nứt trên miếng bạch kim bắt đầu hợp nhất lại với nhau và tự hàn gắn như chưa có gì xảy ra.

"Các vết nứt trên kim loại từng được cho là sẽ ngày càng lớn hơn, chứ không phải nhỏ đi", Sandia Brad Boyce, nhà khoa học vật liệu là tác giả của nghiên cứu cho biết. 

Khám phá kim loại tự phục hồi đã thách thức sự hiểu biết truyền thống của chúng ta về kim loại và mở đường cho các ứng dụng tiềm năng mới trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ khác nhau.

Bộ Khoa học - Công nghệ nói về việc Nhật Bản xả nước phóng xạ ra biển

Chiều 19/7 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Họp báo thường kỳ Quý II/2023. Sự kiện do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chủ trì.

Đại diện của Bộ KH&CN, ông Phạm Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cho biết để xử lý lượng nước thải tồn động trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, từ tháng 4/2021, kế hoạch xả thải của Nhật Bản đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cùng với các chuyên gia hàng đầu về an toàn hạt nhân được quốc tế công nhận đến từ 11 quốc gia.

"Theo kết quả đánh giá của IAEA, nồng độ của tác nhân phóng xạ có trong nước ở khoảng cách 30 km so với vị trí dự kiến xả thải có mật độ trong dải từ 10-6 đến 10-10 Bq/l (becquerel/lít)", đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết. "Đây là tỷ lệ rất nhỏ so với nồng độ phóng xạ tự nhiên trong nước biển".

Được biết, ở điều kiện bình thường, nước biển cũng đã tồn tại nồng độ phóng xạ tự nhiên, nằm trong dải từ 10-1 đến 1 Bq/l, và hầu như không có tác động về mặt phóng xạ đến môi trường biển.

Mức này cũng đã được quy định tại Thông tư số 19/2021/TT-BKHCN ký ngày 8/11/2012 của Bộ trưởng KHCN, bao gồm quy định về Kiểm soát và bảo vệ an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp.

Do đó, có thể thấy tác động về mặt phóng xạ của quá trình xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima là không đáng kể đối với con người và môi trường tại Nhật Bản. "Hoạt động xả thải sẽ không tác động đến vùng biển của Việt Nam", đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân kết luận.