Rác thải tràn ngập khắp không gian

Minh Khôi

(Dân trí) - Bầu khí quyển của Trái Đất đối mặt nguy cơ bị ngập tràn trong rác vũ trụ, để lại nhiều hậu quả khôn lường.

Rác thải tràn ngập khắp không gian - 1

Bầu khí quyển của Trái Đất đối mặt nguy cơ bị tràn ngập trong rác vũ trụ, để lại nhiều hậu quả khôn lường (Ảnh: NASA).

Mới đây, các nhà khoa học của NASA đã tìm thấy chất gây ô nhiễm - cụ thể là các hợp chất hóa học được pha loãng, nằm trong lớp không khí mỏng, nguyên sơ, ở tầng bình lưu, cách Trái Đất khoảng 50 km.

Từ lâu, các nhà khoa học vốn đã cho rằng việc đốt cháy rác vũ trụ tại bầu khí quyển Trái Đất sẽ tạo ra ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến khí hậu hành tinh.

Thế nhưng chỉ mới gần đây, họ mới phát hiện được sự hiện diện của những chất gây ô nhiễm này tại phần không khí nằm phía trên Trái Đất.

Điều đáng lo ngại là nồng độ được phát hiện của các hợp chất này cao hơn nhiều so với những gì có thể gây ra bởi các nguồn tự nhiên, chẳng hạn như sự bốc hơi của bụi vũ trụ hay thiên thạch khi chúng tiếp xúc với khí quyển.

Các thành phần bên trong "mớ rác" hỗn độn này là lithium, nhôm, đồng và chì. Đây đều là những vật liệu có bên trong tàu vũ trụ, tên lửa, tàu thăm dò... được phóng lên bầu khí quyển, rồi tự hủy thông qua quá trình trở lại bề mặt.

Trong số này, có những hợp chất đặc biệt nguy hiểm, như oxit nhôm, sản phẩm của quá trình đốt cháy hợp kim gốc nhôm, được biết đến với khả năng phá hủy tầng ozone.

Thật trùng hợp khi chỉ cách đây không lâu, một trong những lỗ thủng tầng ozone lớn nhất từng được ghi nhận phía trên vùng biển Nam Cực, khiến các nhà khoa học lo lắng.

Rác thải tràn ngập khắp không gian - 2

Các mảnh vụn không gian và vệ tinh đang hoạt động xung quanh Trái Đất được hiển thị trong hình ảnh trực quan năm 2019 (Ảnh: ESA).

Theo tạp chí khoa học AIP Advances, điều này đồng nghĩa với việc có nhiều người phải đối mặt với nguy cơ tiếp xúc với mức độ bức xạ UV lớn hơn mỗi năm.

Aaron Boley, Phó Giáo sư thiên văn học và vật lý thiên văn tại Đại học British Columbia (Canada), thậm chí cho rằng nếu nồng độ oxit nhôm quá cao trong tầng bình lưu có thể dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ của tầng này, dẫn đến những hậu quả không thể lường trước đối với khí hậu Trái Đất.

Đáng kể nhất phải kể tới nguy cơ các hạt oxit nhôm có thể làm thay đổi tần suất phản chiếu, cũng như khả năng phản xạ ánh sáng của Trái Đất.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong bối cảnh những vụ phóng tên lửa và vệ tinh lên tầng trên của bầu khí quyển Trái Đất ngày càng tăng.

Rõ ràng, những tác động từ sự chiếm đóng không gian của con người và những chuyến bay vũ trụ đã và đang gây ra những ảnh hưởng rất đáng kể, và có lẽ còn nằm ngoài những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng.

Theo www.space.com