1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cắt điện phải thông báo trước ít nhất 5 ngày

(Dân trí) - Dự thảo của Bộ Công Thương nêu rõ, với trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước ít nhất 5 ngày.

Cắt điện phải thông báo trước ít nhất 5 ngày - 1

Bên bán điện có quyền ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp đối với các trường hợp khẩn cấp. Đối với các trường hợp không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo trước ít nhất 5 ngày.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.

Theo dự thảo, đối với trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất 5 ngày.

Việc gửi thông báo bằng văn bản hoặc thông báo bằng hình thức khác đã được hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện cho khách hàng có sản lượng mua điện trung bình trên 100.000kWh/tháng và khách hàng sử dụng điện quan trọng biết.

Đồng thời bên bán điện cũng phải thông báo trong 3 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện đối với các khách hàng còn lại.

“Trường hợp không thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện theo nội dung đã thông báo, bên bán điện có trách nhiệm thông báo lại cho bên mua điện trước thời điểm ngừng, giảm cung cấp điện đã thông báo ít nhất 24 giờ”, dự thảo của Bộ Công Thương nêu rõ.

Cũng theo dự thảo, các trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp bao gồm:

Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch của bên bán điện khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, xây lắp các công trình điện, điều hoà, hạn chế phụ tải do thiếu điện và các nhu cầu khác theo kế hoạch;

Ngừng cấp điện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan trong trường hợp để đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình.

Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo yêu cầu của bên mua điện.

Đối với trường hợp khẩn cấp, quy trình ra sao?

Còn đối với trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện trường hợp khẩn cấp, dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương nêu rõ: Bên bán điện có quyền ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp, sau đó thực hiện các công việc sau:

Xác định nguyên nhân, phạm vi ảnh hưởng, thời gian dự kiến cấp điện trở lại;

Thông báo cho bên mua điện biết theo hình thức thông báo đã được hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp;

Bên bán điện phải ghi đầy đủ thời gian, nguyên nhân, trình tự thao tác ngừng, giảm mức cung cấp điện vào sổ nhật ký công tác hoặc nhật ký vận hành;

Trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện do hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa an ninh hệ thống điện, bên bán điện phải đảm bảo thực hiện cắt, giảm đúng lượng công suất phụ tải được tính toán và phân bổ theo quy định về việc lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện;

Phối hợp với các bên có liên quan khẩn trương khắc phục các nguyên nhân dẫn đến ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp để cấp điện trở lại trong thời gian nhanh nhất.

Quy định về thế nào là khẩn cấp, dự thảo Bộ Công Thương nêu rõ các trường hợp sau: Thứ nhất, có sự cố xảy ra trên lưới điện cấp điện cho bên mua điện; sự cố trong hệ thống điện gây mất điện mà bên bán điện không kiểm soát được.

Thứ hai, có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện. Thứ ba, hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa an ninh hệ thống điện. Cuối cùng là có sự kiện bất khả kháng.

Nguyễn Mạnh