1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngày Doanh nhân Việt Nam:

Doanh nhân "ước ao" có chính sách thuận lợi để phát triển kinh tế

Đại Việt

(Dân trí) - Các doanh nhân cho rằng, chính sách, thủ tục hành chính là những vấn đề được doanh nhân quan tâm hàng đầu trong công cuộc “chèo lái” doanh nghiệp.

Doanh nhân ước ao có chính sách thuận lợi để phát triển kinh tế - 1

Doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm. Ảnh: Đ.V

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food cho biết, ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 là một ngày hội thật sự của các doanh nhân. Vào dịp này, các sở, ban ngành đều tạo điều kiện để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

“Trong đại dịch Covid-19, chúng tôi có rất nhiều áp lực. Đó chính là áp lực về cung cấp hàng hóa, áp lực về việc đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trong rủi ro của dịch bệnh, chúng tôi cũng nhận ra được nhiều cơ hội cho chính mình”, bà Lâm nói.

Theo bà Lâm, trước đây, thực phẩm đóng gói chưa được người dân chú ý nhiều. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến người dân đón nhận thực phẩm đóng gói nhiều hơn, đặc biệt là qua kênh bán hàng online.

Chính vì vậy, doanh nghiệp đã tập trung tăng tính tiện dụng cho sản phẩm để nắm bắt cơ hội phát triển.

Ngoài ra, đại dịch đã khiến doanh nghiệp buộc phải chấn chỉnh lại các hoạt động, kiểm soát các chi phí chặt chẽ hơn và tiết giảm những lãng phí để tiết kiệm tối đa cho bộ máy.

“Trong tương lai, chúng tôi đang có kế hoạch đầu tư nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị nên chúng tôi mong muốn tiếp cận được những gói vay ưu đãi từ Chính phủ, các bộ ngành. Nếu có được những hỗ trợ kịp thời như vậy thì đó là niềm hạnh phúc rất lớn của những doanh nhân như chúng tôi”, bà Lâm nói.

Còn đối với doanh nhân Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Phát triển năng lượng HIGG thì ông mong muốn có một chính sách thuận lợi để doanh nghiệp năng lượng phát triển.

Theo ông Huy, nguồn năng lượng bổ sung cho ngành điện quốc gia đang rất thiếu. Trong khi đó, các chính sách về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam với Biểu giá điện mặt trời cố định (FIT) là khá “cập rập” khiến nhà đầu tư rất bất an.

Cụ thể, ngày 6/4, Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời nhưng đến ngày 22/5 quyết định này mới có hiệu lực.

Như vậy, để được áp dụng giá điện mặt trời mái nhà theo biểu giá FIT 2 là 8,38 Cent/kWh (1.943 đồng/kWh) thì doanh nghiệp phải vận hành thương mại dự án điện mặt trời trước ngày 31/12, tức chỉ có 7 tháng để làm mọi việc.

“Chúng tôi chỉ có 7 tháng để hoàn tất các thủ tục làm dự án, xây dựng công trình, đấu nối… Điều này là vô cùng cập rập, bởi việc xây dựng đã mất 4 – 5 tháng. Việc cập rập, gấp rút đã khiến nhiều nhà đầu tư phải “đi đường tắt” trong quy trình dẫn đến những sai phạm không đáng có”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, Chính phủ và các bộ ngành có thể nghiên cứu gia hạn thêm thời gian cho FIT 2 hoặc đưa ra chính sách FIT 3 ngay sau khi FIT 2 hết hạn vào ngày 31/12/2010. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị, tránh sự lúng túng, làm “tắt”, gây khó khăn trong việc quản lý của Nhà nước và ngành điện.

Việc sớm đưa ra các chính sách minh bạch, cụ thể và có đủ thời gian để doanh nghiệp “xoay xở” cũng phần nào giúp doanh nghiệp đỡ phải “dò đường” trong thời gian đầu.

“Là doanh nhân, chúng tôi chỉ mong muốn các chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp phát triển thì người lao động mới có việc làm và thu nhập ổn định. Đây cũng là điều kiện cần thiết để kinh tế đất nước đi lên”, ông Huy chia sẻ.

Doanh nhân ước ao có chính sách thuận lợi để phát triển kinh tế - 2

Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hương. Ảnh: Đ.V

Đồng tình với quan điểm của ông Huy, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, chính sách, thủ tục hành chính là những vấn đề mà doanh nhân rất quan tâm. Và có thể nói, đây là vấn đề được quan tâm hàng đầu.

“Hiện nay, muốn hoàn tất các thủ tục pháp lý cho dự án bất động sản tốn rất nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp. Đặc biệt là những dự án lớn, bởi ở các dự án lớn thì việc chờ đợi kéo dài sẽ càng gây tổn thất nặng nề hơn cho doanh nghiệp so với những dự án nhỏ”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, chính sách về hạ tầng giao thông cũng ảnh hưởng không kém đến các dự án bất động sản. Điển hình như chủ trương mở rộng Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức) đoạn từ chân cầu Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước. Chủ trương này đã có từ lâu, thế nhưng Quốc lộ 13 vẫn mãi chưa được mở rộng.

Trong khi đó, mật độ người dân sinh sống tại khu vực Thủ Đức đã tăng rất mạnh trong vài năm trở lại đây. Điều này cũng gây trở ngại cho sự phát triển của các dự án bất động sản quanh khu vực Quốc lộ 13.

“Doanh nhân chúng tôi chỉ mong muốn các thủ tục hành chính được tinh gọn, bớt rườm rà. Những chính sách nào mang lại lợi ích lớn cho người dân, xã hội thì cần triển khai gấp rút để tạo động lực phát triển kinh tế đất nước”, bà Hương chia sẻ.