1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước "khui" nhiều góc khuất của dự án đầu tư công

An Linh

(Dân trí) - "Có hiện tượng thông đồng giữa các nhà thầu khi tham gia đấu thầu, khống chế giá trúng thầu cho đơn vị để được thoả thuận thắng thầu" - đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Tại Hội thảo "Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán nhà nước" được tổ chức sáng nay (22/9), nhiều chuyên gia kiểm toán đã chỉ ra những vấn đề tồn tại.

Theo TS. Hoàng Phú Thọ - Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 4 - số liệu từ báo cáo của Kho bạc Nhà nước cho thấy năm 2019 vốn đầu tư công giải ngân được hơn 255.000 tỷ đồng; lũy kế đến tháng 7/2020, số vốn giải ngân đạt hơn 193.000 tỷ đồng, như vậy số giải ngân hiện vẫn thấp, chỉ đạt gần 41% so với kế hoạch đề ra.

Ông Thọ cho rằng, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đến hiệu quả kinh tế, hiệu quả về an sinh xã hội. Tuy nhiên, thực tế việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt so với kế hoạch vốn được giao, kéo nợ phát sinh, không có tác động lan tỏa đến nền kinh tế.

Kiểm toán Nhà nước khui nhiều góc khuất của dự án đầu tư công  - 1

 TS. Hoàng Phú Thọ - Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 4  (ảnh: Báo Kiểm toán)

Theo Kiểm toán trưởng Hoàng Phú Thọ, sau nhiều năm thanh tra các dự án đầu tư công, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy phát hiện nhiều Bộ, ngành và địa phương được giao kế hoạch vốn không sát khả năng thực hiện.

Bên cạnh đó, việc này khiến nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí không có khả năng giải ngân nhưng các bộ, ngành, địa phương không báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh.

Ngoài ra, theo ông Thọ, có một số nơi được giao vốn khi chưa ký Hiệp định điều chỉnh phù hợp với tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ, dẫn đến không giải ngân được; giao vượt kế hoạch vốn trung hạn; giao bổ sung cho dự án không thực hiện hết kế hoạch vốn giao đầu năm.

Theo TS. Thọ, tại một số dự án tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do tồn tại, hạn chế trong quản lý đầu tư công, vấn đề này xảy ra ở tất cả các khâu, các giai đoạn của quá trình đầu tư.

"Từ chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư; từ khâu cấp phát vốn đầu tư đến khâu thực hiện thủ tục giải ngân, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư..." - ông Thọ cho hay.

Đặc biệt, đại diện Kiểm toán Nhà nước nêu thực tế có một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan không thực hiện đúng trình tự đấu thầu. 

Theo vị này, thời gian vừa qua có chủ đầu tư phân chia gói thầu không hợp lí, sai quy định; chọn hình thức lựa chọn nhà thầu không phù hợp; xét thầu, đánh giá để lựa chọn nhà thầu không chính xác.

"Có hiện tượng thông đồng giữa các nhà thầu khi tham gia đấu thầu đã khống chế giá trúng thầu cho đơn vị được thoả thuận để thắng thầu, không lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực thực sự..", ông Thọ cho hay. 

Về khía cạnh quản lý Nhà nước, ông Thọ cho rằng, có hiện tượng các Bộ, ngành và địa phương rà soát không kỹ, nể nang, giữ nguyên các đề xuất.

Đại diện của Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ: Thời gian vừa qua, việc giải ngân vốn đầu tư công kém hiệu quả không chỉ do cơ chế chính sách mà còn do năng lực lập, thẩm định, phê duyệt dự án yếu kém từ phương thức huy động, đến bố trí, phân bổ vốn; tổ chức thi công xây dựng lắp đặt...