1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lãi suất cho vay mua nhà giờ ra sao mà chuyên gia nói cao?

Nhật Quang

(Dân trí) - Tính đến hết tháng 7, lãi suất vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng dao động trong khoảng 10,5-15,5%/năm. Chuyên gia cho rằng mức lãi này vẫn đang ở mức quá cao.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố bảng lãi suất cho vay mua nhà trong tháng 7 của 13 ngân hàng thương mại. Theo đó, lãi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng dao động trong khoảng 10,5-15,5%/năm.

Theo khảo sát, hầu hết ngân hàng đều áp dụng 2 mức lãi suất là lãi suất vay ưu đãi mua nhà trong 12 tháng đầu và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi vay giữa ưu đãi và sau ưu đãi từ 2% đến 3,8%.

Trong 12 tháng đầu tiên, mức lãi suất ưu đãi được các ngân hàng áp dụng trong khoảng 7,99-11,8%/năm. Cụ thể, Standard Chartered áp dụng mức lãi suất cho vay là 7,99%, ACB là 8,5%, Vietcombank là 9%, UOB là 9,49%, OCB là 10,5%, TPBank là 10,9%, VPBank là 11,8%…

Lãi suất cho vay mua nhà giờ ra sao mà chuyên gia nói cao? - 1

(Nguồn: VARS).

Lãi suất sau ưu đãi - mức lãi suất thả nổi theo thị trường bao gồm lãi suất tham chiếu cộng biên độ tại các ngân hàng dao động trong khoảng 10,5%-15,5%/năm. Trong đó, PVcomBank là 15,5%; MSB là 14,6%; VPBank là 14%, TPBank là 13,75%; MB là 13,7%…

Hạn mức cho vay mua nhà của các ngân hàng trong tháng 7 dao động 70-85% giá trị căn nhà. Kỳ hạn các ngân hàng thương mại cho vay mua nhà ở thương mại dao động 20-35 năm. Trường hợp khách hàng trả trước kỳ hạn sẽ bị áp mức lãi suất cao hơn lãi vay thông thường 1-3%.

"Lãi suất cho vay mua nhà vẫn ở mức quá cao"

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, TS. Cấn Văn Lực nhận định mức lãi suất cho vay và huy động hiện nay vẫn ở mức cao chung của nền kinh tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thời gian qua, Chính phủ cũng liên tục có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường…

Tuy nhiên theo ông Lực, việc giảm lãi suất cần phải cân đối, hài hòa nhiều khía cạnh, không chỉ tập trung với người đi vay vốn mà còn cần quan tâm đến nhiều góc độ khác như người gửi tiền, kênh đầu tư, chỉ số lạm phát…

Lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng giảm tuy nhiên không thể giảm quá nhiều, vì nếu lãi suất giảm sâu dòng tiền sẽ dịch chuyển sang kênh đầu tư khác, ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản dẫn tới khó khăn trong việc cho vay vốn, khi đó về lâu dài nền kinh tế lại tiếp tục gặp rủi ro, ông Lực đánh giá.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng việc so sánh mức lãi suất huy động hiện nay (6-7,5%/năm) với lãi suất cho vay mua nhà (10,5-15%/năm) là khập khiễng. Lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng được xác định tùy vào thời hạn cho vay, thông thường 20-30 năm, cũng như mức độ rủi ro của dự án, của doanh nghiệp...

"Thời hạn cho vay càng dài, rủi ro càng cao, do đó lãi suất cũng phải cao", ông nhấn mạnh.

Theo ông Lực, hiện chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra ròng sau khi trừ đi dự phòng rủi ro, dự trữ bắt buộc, chi phí hoạt động… của hệ thống ngân hàng trong khoảng 3%, mức chênh lệch trung bình trong khu vực.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về tài chính - ngân hàng cho biết hiện các ngân hàng đưa ra chương trình cho vay ưu đãi 5-10% trong những tháng, năm đầu tiên của kỳ hạn chủ yếu là để "dẫn dụ" khách hàng. Khi quay về lãi suất thực tế vẫn ở mức 14-15%/năm.

Ông Hiếu cho rằng mức lãi suất cho vay mua nhà này vẫn đang ở mức cao, mức lãi suất nên về mức dưới 10%/năm. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm lãi suất vẫn sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có thêm một đợt giảm lãi suất trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Mức giảm quanh mốc 0,5 điểm %, tuy nhiên trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất, ông Trí Hiếu nhận định khó để xác định thời điểm và mức độ điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.