1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nâng khống giá thiết bị y tế: Lỗi lớn nhất của ai?

Theo chuyên gia về đấu thầu, nếu lỗi của chủ đầu tư một thì lỗi của bên thẩm định giá là mười khi nâng khống giá thiết bị y tế lên.

Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc liên quan đến một số hành vi có dấu hiệu tội phạm trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 4/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết kết quả điều tra bước đầu cho thấy một số cá nhân thuộc Công ty cổ phần Công nghệ y tế (BMS) và Công ty Cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính (VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần hệ thống thiết bị y tế.

Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, tờ khai Hải quan ghi nhận sản phẩm được nhập khẩu giá 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả thuế VAT. Tuy nhiên, những người này đã câu kết với nhau nâng khống giá của hệ thống lên 39 tỷ đồng và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với bệnh viện Bạch Mai.

Nhìn từ vụ mua máy xét nghiệm Covid-19 mỗi địa phương một giá, cao gấp nhiều lần giá nhập khẩu trước đó đến vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Luật Đấu thầu 2013 đã quy định rõ các trường hợp phải lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, trong đó có việc mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập.

Chính vì thế, việc mua sắm trang thiết bị y tế của các bệnh viện công lập phải tuân theo Luật Đấu thầu, không có trường hợp ngoại lệ.

 

Câu hỏi được ông Hùng đặt ra ở đây: trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở bệnh viện Bạch Mai, lỗi cơ bản là của ai? và ông tự trả lời: nếu chủ đầu tư (bệnh viện) có lỗi một thì bên thẩm định giá có lỗi mười và phải xử lý nghiêm.

Phân tích cụ thể, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu cho biết, về mặt lý thuyết,  trước khi mua sắm thiết bị y tế, chủ đầu tư phải tìm hiểu kỹ về thiết bị định mua, so sánh giá giữa các nhà cung cấp với thiết bị tương tự. Thế nhưng, trên thực tế làm điều này lại rất khó.

"Vấn đề ở đây là do cơ chế hiện tại: chủ đầu tư, người có thẩm quyền phải phê duyệt thứ mà họ không có đủ kiến thức, mà không phê duyệt thì không được. Có kế hoạch lựa chọn rồi thì phải có người có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có dự toán gói thầu mà họ lại không biết là bao nhiêu, buộc phải dựa vào thẩm định giá. Thẩm định giá đúng thì không sao, nhưng thẩm định giá sai, nâng khống giá lên thì vô cùng nguy hiểm.

Thiết bị y tế là mặt hàng chuyên dụng, có những thiết bị đặc chủng, không phải như mớ rau, con cá mà dễ dàng so sánh, tìm hiểu được. Do đó, vai trò của người thẩm định giá là rất lớn.

Nhà thầu vô đạo đức, bán giá đắt đã đành, nhưng người thẩm định, đóng vai trò trọng tài lại thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm nâng giá lên để hưởng lợi thì đó mới là người có lỗi lớn nhất, phải xử lý nghiêm.

Dĩ nhiên, cơ quan điều tra cũng phải làm rõ chủ đầu tư phê duyệt dự toán gói thầu có tiêu cực không để biết giá đắt mà vẫn phê duyệt. Nhưng theo quan điểm của tôi, lỗi chủ yếu là ở người thẩm định, anh có chuyên môn, có thông tin, lấy tiền để thẩm định mà lại vô trách nhiệm như vậy thì không thể chấp nhận được", TS Nguyễn Việt Hùng phân tích và nhấn mạnh đạo đức của thẩm định giá là vô cùng quan trọng.

"Làm nghề thẩm định rất dễ làm thất thoát tiền nhà nước mà không có đạo đức thì nguy hiểm vô cùng, khiến bao nhiêu người phải chịu hệ lụy, trong đó người bệnh phải trả tiền gấp nhiều lần bởi sự nâng giá ấy", ông Hùng nói.

Từ những phân tích trên, vị chuyên gia cũng đặt vấn đề về vai trò của Bộ Y tế. Đành rằng các bệnh viện được giao quyền tự chủ để được chủ động hơn, nhưng nếu thiếu kiểm soát, thiếu đi những quy chế rõ ràng để quản lý thì tình trạng đẩy giá, nâng giá thiết bị tất yếu sẽ xảy ra.

"Cơ quan quản lý ngành y tế phải thực hiện vai trò quản lý thị trường trang thiết bị y tế, không thể để doanh nghiệp muốn bán bao nhiêu thì bán.

Cần có một trung tâm/tổ thẩm định giá của Bộ Y tế để kiểm tra, giám định lại việc thẩm định thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập. Theo đó, chúng ta vẫn có thể cho thẩm định giá tư nhân thẩm định, nhưng trung tâm thẩm định giá của Bộ Y tế phải kiểm tra lại để biết đúng, sai. Có nhiều cách để Bộ Y tế thực hiện vai trò quản lý, giám sát của mình, tránh để xảy ra tình trạng "thả gà ra đuổi" như thời gian qua", TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, báo Người lao động dẫn lời đại diện Bộ Y tế cho hay, thiết bị y tế không phải là mặt hàng quản lý giá, không phải kê khai giá như đã áp dụng với mặt hàng thuốc nên vừa qua, có hiện tượng thiết bị mua bán lòng vòng qua các công ty, giá bị đẩy lên cao và vẫn được thẩm định.

Đến nay, Bộ Y tế chưa có trang điện tử công bố giá trúng thầu các thiết bị có chức năng, chủng loại, cấu hình tương tự... để các bệnh viện, đơn vị y tế mua sắm có cơ sở để tham khảo.

Trong khi đó, trước vụ việc trên, theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, Bộ Y tế đã thành lập tổ thẩm định giá các thiết bị mới được mua sắm trong thời gian qua, theo hướng xem xét mức giá thời điểm bệnh viện mua, với cấu hình, chất lượng thiết bị thì mức giá hợp lý là bao nhiêu.