1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chủ tịch Quốc hội:

Nghiên cứu để luật hóa nội dung xử lý nợ xấu trong điều kiện bình thường

Trần Kháng

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nội dung xử lý nợ xấu phải đảm bảo nguyên tắc quay về hệ thống pháp luật bình thường, cân nhắc rà soát các giao thoa, trong đó có bảo hiểm, ngân hàng...

Ngân hàng làm sai phải trừ vào vốn chủ sở hữu

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chiều 9/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến tại phiên họp và ghi nhận nhiều nội dung phát biểu xác đáng làm cơ sở để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện hồ sơ dự án luật và báo cáo thẩm tra.

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Các tổ chức tín dụng nên có chương riêng để quy định về Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam để luật hóa quy định trong nghị định để xác định địa vị pháp lý của 2 ngân hàng này bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu phát triển các ngân hàng này. Với vị trí vai trò của mình, Ngân hàng chính sách và Ngân hàng phát triển xứng đáng có một chương trong luật.

Nghiên cứu để luật hóa nội dung xử lý nợ xấu trong điều kiện bình thường - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Quochoi.vn).

Về luật hóa các nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu để luật hóa những nội dung về tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu trong điều kiện bình thường, những nội dung đặc biệt mà có thể áp dụng cho giai đoạn bình thường này chứ không phải là tất cả các vấn đề của Nghị quyết 42 trên. Đồng thời, lưu ý chỉ xử lý những nội dung nào đúng luật, tức cho vay đúng luật nhưng có rủi ro về kinh doanh mà có nợ xấu, còn những vấn đề do ngân hàng làm sai phải trừ vào vốn chủ sở hữu.

Nhấn mạnh các nội dung xử lý nợ xấu phải bảo đảm nguyên tắc phải quay về hệ thống pháp luật bình thường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát cân nhắc các nội dung quy định trong luật như về quy trình ưu tiên thanh toán, vấn đề thuế, về Công ty quản lý tài sản (VAMC); rà soát lại tất cả những nội dung giao thoa giữa các luật như ngân hàng thương mại sở hữu công ty chứng khoán, giao thoa giữa bảo hiểm mới với ngân hàng, những sản phẩm ngân hàng có tính chất đầu tư…

Về quản lý Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu luật hóa các quy định trong nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong quản lý tài chính ngân hàng; tính toán lại quy định về hệ thống thanh tra kiểm soát bên ngoài, phải nghiên cứu hệ thống thanh tra giám sát độc lập và thống nhất; rà soát các quy định về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước…

Tham gia ý kiến về các nội dung dự thảo Luật này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, Bộ Công an thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng.

Về xử lý nợ xấu tại Chương 11 dự thảo luật, để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý lại quy định nợ xấu theo hướng chỉ khoanh vùng đối với khoản nợ xấu hình thành do các nguyên nhân khách quan như: ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, khó khăn chung của nền kinh tế, không áp dụng đối với khoản nợ xấu hình thành từ ý thức chủ quan của những hành vi vi phạm quy định.

Về thu giữ tài sản đảm bảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp bao gồm quyền thu giữ theo thỏa thuận (nếu có) của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tài sản đảm bảo để đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật, trong đó Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể hoạt động thu giữ trong trường hợp người cần cầm giữ tài sản đảm bảo là người khác không phải là khách hàng.

Xử lý ngân hàng yếu kém là vấn đề khó

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu tại phiên họp này, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng là luật khó, có tính chất đặc thù, các quy định trong dự thảo luật cần góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời kiểm soát được rủi ro và an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Nghiên cứu để luật hóa nội dung xử lý nợ xấu trong điều kiện bình thường - 2

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng (Ảnh: Quochoi.vn).

Việc xây dựng luật được triển khai trong bối cảnh khó khăn, nhạy cảm. Tuy nhiên, vừa qua, chính những bộc lộ thực tiễn trong thị trường tín dụng cũng là cơ hội để chúng ta rút kinh nghiệm, bổ sung chỉnh sửa sao cho phù hợp với xu hướng trong bối cảnh mới.

Về phạm vi điều chỉnh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, rà soát nghiên cứu để có quy định phù hợp với thực tiễn.

Về các vấn đề liên quan đến quản trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, dự thảo luật đã tập trung vào các vấn đề giảm sở hữu, tăng hiệu quả quản trị hoạt động, đưa ra giới hạn về tín dụng… Đây chỉ là một trong các giải pháp cần thực hiện. Nhiều giải pháp khác cũng đang được hoạch định, chuẩn bị triển khai, trong đó có áp dụng công nghệ thông tin.  

Về vấn đề can thiệp sớm, xử lý ngân hàng yếu kém, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng đây là vấn đề rất khó. Hiện nay, căn cứ trên thực tiễn các sự vụ phát sinh, dự thảo Luật đang có điều chỉnh phù hợp để khắc phục những hạn chế của luật hiện hành.