1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thủ tướng yêu cầu Vinacomin rút toàn bộ vốn khỏi SHB

(Dân trí) - Bên cạnh phải thoái hết vốn khỏi Bảo hiểm SHB - Vinacomin; Ngân hàng SHB và Chứng khoán SHS, Vinacomin còn phải thực hiện giải thể Than Đồng Vông, Đá quý Việt - Nhật và phá sản công ty Đóng tàu Sông Ninh - Vinacomin.

Vinacomin phải thực hiện giải thể 2 doanh nghiệp, phá sản 1 doanh nghiệp.
Vinacomin phải thực hiện giải thể 2 doanh nghiệp, phá sản 1 doanh nghiệp.

Theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) giai đoạn 2012 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vinacomin định hướng trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp.

Để đáp ứng được mục tiêu này, trong cơ cấu tổ chức của Vinacomin sẽ chỉ có Công ty mẹ - Vinacomin là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 16 đơn vị phụ thuộc.

Giai đoạn 2012-2015, dự kiến sẽ chuyển 10 doanh nghiệp thành đơn vị phụ thuộc công ty mẹ. Đồng thời, duy trì 5 doanh nghiệp do Vinacomin nắm giữ 100% vốn điều lệ; 9 doanh nghiệp Vinacomin nắm giữ từ 65- 75% vốn điều lệ; 11 doanh nghiệp Vinacomin nắm giữ từ 50-65% vốn điều lệ và 11 doanh nghiệp nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.

Cũng theo Đề án này, sẽ có 2 doanh nghiệp bị giải thể là Công ty TNHH một thành viên than Đồng Vông và Công ty TNHH một thành viên Đá quý Việt - Nhật. Thực hiện phá sản 1 công ty là CTCP Đóng tàu Sông Ninh - Vinacomin.

Song song với đó, tiến hành sáp nhập Công ty TNHH một thành viên Địa chất Việt Bắc - Vinacomin vào Công ty TNHH một thành viên Địa chất mỏ - Vinacomin.

Thông qua đề án, Thủ tướng cũng yêu cầu, Vinacomin cũng sẽ phải tiến hành hợp nhất Trường Cao đẳng nghề Mỏ Hữu Nghị - Vinacomin, Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm – Vinacomin, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc – Vinacomin thành trường Cao đẳng nghề Mỏ - Vinacomin.

Vinacomin buộc phải thoái toàn bộ vốn tại 9 doanh nghiệp trong đó có Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm SHB - Vinacomin; Ngân hàng thương mại cổ phần Sài gòn - Hà Nội (SHB) và Công ty cổ phần Chứng khoán SHS.

Ngoài ra, đối tượng các doanh nghiệp mà Vinacomin cần phải "rút" chân hẳn còn có Công ty cổ phần đầu tư Phát triển khu Kinh tế Hải Hà; Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư BIDV - VN Partners; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Nhà và Hạ tầng - Vinacomin; Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam.

Việc tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp tập trung vào sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ và tăng cường trách nhiệm, quyền hạn và chỉ đạo của Vinacomin đối với người đại diện vốn của Vinacomin tại doanh nghiệp khác...

Bích Diệp