1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Bình:

Chàng kỹ sư bỏ phố về quê quyết làm giàu bằng nghề nuôi chim

Đặng Tài

(Dân trí) - Tốt nghiệp Đại học, Mai Ngọc Thành (Quảng Bình) được Trung tâm trắc địa bản đồ biển tuyển vào làm việc tại Hà Nội với mức lương khá. Nhưng anh đã chọn cách về quê làm giàu bằng nghề nuôi chim trĩ.

Bỏ phố về quê... nuôi chim trĩ

Về dải đất ven biển đầy nắng gió và cồn cát của huyện Lệ Thuỷ (tỉnh Quảng Bình), tôi hỏi nhà anh Mai Ngọc Thành, nhiều người dân không ngần ngại nói ngay: “Có phải cậu Thành “khùng” nuôi chim trĩ không?”.

Băn khoăn về biệt danh Thành “khùng” của tôi đã được một người phụ nữ trạc tuổi lục tuần giải: “Sở dĩ gọi là Thành “khùng” vì nghe đâu sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội,  cậu ý được tuyển vào làm việc ở một cơ quan lương cao. Sau đó không hiểu sao thấy cậu ý bỏ việc về quê nuôi chim, nuôi dế. Nên lúc đó ai cũng bảo cậu ý chắc không bình thường (khùng)”.

Chàng kỹ sư bỏ phố về quê quyết làm giàu bằng nghề nuôi chim - 1

Anh Thành bên trang trại nuôi chim trĩ của mình.

Thoáng qua câu chuyện, chúng tôi tìm về xã Hưng Thuỷ và gặp Mai Ngọc Thành (SN 1985), tại trang trại nuôi chim trĩ, dế ở thôn Phù Lưu.

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là hình ảnh một người đàn ông đang hì hục dọn dẹp trong khu nuôi nhốt chim. Đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười niềm nở, Thành bắt đầu cởi mở và chia sẻ về cơ duyên đến với công việc nuôi chim, dế.

Sinh ra và lớn ở vùng quê nghèo cồn cát, nên trong tâm thức Thành luôn suy nghĩ phải phấn đấu thoát cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Từ ý chí và quyết tâm ấy nên Thành đã luôn cố gắng trong quá trình học tập từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.

Và những cố gắng ấy đã được đền đáp xứng đáng khi Thành thi đỗ và theo học tại khoa Địa chính, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Niềm vui còn tăng lên gấp bội là sau khi tốt nghiệp, Thành đã được Trung tâm trắc địa bản đồ biển ở Hà Nội tuyển vào làm việc với mức lương ban đầu là hơn 10 triệu đồng/tháng.

Chàng kỹ sư bỏ phố về quê quyết làm giàu bằng nghề nuôi chim - 2

Chim trĩ vốn là loài động vật hoang dã nên có sức đề kháng cao hơn so với nhiều vật nuôi khác.

Tuy nhiên, do đặc thù công việc phải di chuyển nhiều, gần như đã đi khắp mọi miền của tổ quốc. Cuộc sống thường xuyên phải xa quê, xa gia đình nên Thành đã quyết định bỏ ngang công việc mà nhiều người mơ ước. Anh đã về quê và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất được sinh ra.  

“Để đưa ra quyết định ấy, lúc đầu không chỉ bản thân mình mà nhiều người thân trong gia đình, bạn bè và nhiều anh em thân thiết đã ra sức can ngăn. Tuy nhiên, bằng ý chí và quyết tâm nên mình đã quyết định “liều mạng” bỏ việc ở phố, về quê lập nghiệp mà không một chút hối tiếc”, Thành nhớ lại thời khắc đưa ra quyết định bỏ công việc ngon lành ở phố thị để về quê nuôi chim trĩ.

Năm 2017, sau khi bỏ công việc ở thành phố về quê, Thành bắt tay ngay vào việc nuôi chim trĩ, dế. Vay mượn được hơn 300 triệu đồng cùng với số vốn ít ỏi tích góp được, Thành đã mượn mảnh đất của người chị gái và triển khai xây dựng một khu trang trại gần 250m2.

Sau một thời gian trang trại đi vào hoạt động, thấy chim trĩ dễ nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu miền Trung nên ít nhiễm bệnh, mang lại lợi nhuận cao.

Tại Quảng Bình, thời điểm đó chưa có mô hình nào nuôi chim trĩ với số lượng lớn, người dân chỉ nuôi nhỏ lẻ nên Thành đã quyết định sẽ là người đi đầu xây dựng mô hình nuôi chim trĩ tại địa phương.

Dễ nuôi, thu nhập cao

Thời gian đầu nuôi chim với số lượng lớn, do chưa nắm vững kỹ thuật, kinh nghiệm chưa có nên Thành cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ kiên trì áp dụng các phương pháp khoa học, dần dần đàn chim trĩ cũng bắt đầu thích nghi với điều kiện sống và phát triển khỏe mạnh.

Chàng kỹ sư bỏ phố về quê quyết làm giàu bằng nghề nuôi chim - 3

Thức ăn của chim trĩ giống như của gà, gồm các loại cám trộn với bắp, lúa, rau, chuối thái băm...

Thành cho hay, chim trĩ vốn là loài động vật hoang dã nên có sức đề kháng cao hơn so với nhiều vật nuôi khác, chim ít khi mắc bệnh, nếu có cũng khá dễ điều trị, nhưng cũng cần phải chăm sóc kỹ, tiêm vắc xin đầy đủ tránh bệnh tật về sau.

Thức ăn của chim trĩ giống như của gà, gồm các loại cám trộn với bắp, lúa, rau, chuối thái băm...

Chuồng nuôi chim được bao quanh bởi lưới thép, phía trên lợp mái để tránh chim bay ra ngoài, trong chuồng treo thêm cành cây ngang cho chim đậu, phía dưới trải đệm lót sinh học để chuồng trại luôn sạch sẽ và hạn chế dịch bệnh. Chim trĩ nuôi từ 3-4 tháng có thể xuất bán thương phẩm, từ 6-7 tháng có thể cho sinh sản.

Từ 20 con giống ban đầu, đến nay mỗi năm trang trại của Thành xuất ra thị trường hàng ngàn con chim trĩ giống và thương phẩm. Chim trĩ 1 ngày tuổi được bán với giá từ 35 đến 40 ngàn đồng/con, chim 1 tháng tuổi 100 ngàn đồng/con và chim thương phẩm từ 230-240 ngàn đồng/kg. Trứng chim bán giá 10 ngàn đồng/quả.

Chàng kỹ sư bỏ phố về quê quyết làm giàu bằng nghề nuôi chim - 4

Mô hình nuôi chim trĩ của anh Thành là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn.

Ngoài ra, Thành còn nuôi thêm dế để làm thức ăn cho chim trĩ, đồng thời bán cho những người nuôi chim cảnh, cá cảnh với giá 90-120 ngàn đồng/kg. Nhờ vậy, bước đầu mỗi năm trang trại nuôi chim trĩ của Thành cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

“Trong thời gian tới, mình sẽ tiếp tục tìm đầu ra và mở rộng quy mô trang trại để nuôi với số lượng lớn. Đồng thời, cố gắng xây dựng thương hiệu chim trĩ sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng”, Thành chia sẻ.

Nói về thành công bước đầu trang trại nuôi chim trĩ của Mai Ngọc Thành, ông Võ Dân Thuấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy cho hay, mô hình nuôi chim trĩ của anh Thành là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn xã. “Đây là mô hình đi đầu trong việc nuôi chim trĩ phát triển kinh tế tại địa phương. Bởi vậy, chúng tôi luôn đánh giá cao và sẽ hỗ trợ tốt nhất có thể để mô hình ngày càng phát triển”, ông Thuấn khẳng định.