1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhân Ngày quốc tế người cao tuổi (1/10):

Cụ bà 80 tuổi miệt mài với những chiếc áo dài truyền thống Hà Thành

(Dân trí) - Cụ bà Lê Thị Quyến (Hà Nội) năm nay đã 80 tuổi, nhưng đã có 68 năm làm nghề may áo dài. Nhiều người ngỡ ngàng khi ở tuổi này, cụ vẫn tự tay đo, cắt, xâu kim rồi khâu từng chiếc áo.

Gần 70 năm làm nghề

Nằm nép mình trên phố Lương Văn Can (Hoàn Kiếm, Hà Nội) căn nhà nhỏ số 23 vẫn hàng ngày vang tiếng cắt vải, tiếng cười nói của bà Lê Thị Quyến, sinh năm 1940, người thợ may thâm niên gần 70 năm làm nghề.

Bà Lê Thị Quyến tâm sự: “Gia đình tôi có 4 đời may áo dài. Từ năm 12 tuổi, tôi đã được theo bố đi may đo áo dài khắp các phố phường ở Hà Nội”.

Cụ bà Lê Thị Quyến tâm sự về nghề may áo dài của mình

Được biết gia đình bà trước đây ở làng may Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Tây (cũ) do chiến tranh loạn lạc sau cả gia đình chuyển vào Hà Nội kiếm sống bằng nghề may áo dài.

Sau giải phóng Thủ đô, bà Lê Thị Quyến tham gia Hợp tác xã may đo Dân Chủ. Ở đây, bà nên duyên vợ chồng với ông Lê Thành Vinh cũng là một thợ may có tiếng ở làng Trạch Xá lúc bấy giờ.

Đầu những năm 1990, tiệm may Vinh Trạch của vợ chồng bà Lê Thị Quyến ra đời. Suốt mấy chục năm qua, ngày nào tiệm may nằm ở số 23 Lương Văn Can vẫn mở cửa từ 8 giờ sáng đến tối muộn để đón khách.

Cụ bà 80 tuổi miệt mài với những chiếc áo dài truyền thống Hà Thành - 1

Bà Lê Thị Quyến đã 80 tuổi nhưng vẫn miệt mài may áo 

Mặc dù đã cao tuổi, nhưng với đôi mắt tinh tường và đôi bàn tay khéo léo, bà Quyến vẫn hàng ngày miệt mài may đo cho những vị khách khó tính nhất Hà Nội.

Khi được hỏi vì sao còn làm việc miệt mài ở cái tuổi cao này, bà Lê Thị Quyến nói: “Tôi làm nghề này ngần ấy năm. Nghề ngấm vào máu rồi. Giờ nghỉ một hôm không làm, tôi mỏi hết chân tay. Rồi cũng từ nghề này, vợ chồng tôi nuôi 7 người con ăn học thành người. Nay tuổi cao nhưng tôi cũng vẫn làm nghề để nuôi bản thân”.

Theo bà Lê Thị Quyến, việc vẫn có thể làm việc ở cái tuổi 80 này đem lại cho bà niềm vui, sức khoẻ và hơn nữa là chưa phải phụ thuộc vào con cái. Với bà, tấm áo dài còn là biểu tượng thiêng liêng của đất nước và gia đình.

Cụ bà 80 tuổi miệt mài với những chiếc áo dài truyền thống Hà Thành - 2

Bà Quyến vẫn có thể xâu kim mà không cần kính

Được biết, 1 chiếc áo dài bà Lê Thị Quyến mất 1 ngày để hoàn thiện. Giá một chiếc áo do bà làm ra có giá dao động từ 700.000 - 1.500.000 đồng,  tùy theo chất vải.

Bà Lê Thị Quyến tâm sự: “Làm nghề này không giàu được chỉ đủ ăn đủ sống, nuôi con cái học hành nhưng tôi luôn tự hào vì nghề này là nghề truyền thống của gia đình. Chừng nào mắt còn tinh, tay còn khỏe thì tôi vẫn làm”.

Giữ gìn nghề may truyền thống

Nhằm giữ gìn nghề truyền thống, ngay từ đầu những năm 1990 khi bắt đầu mở tiệm may riêng, bà Lê Thị Quyến cố gắng tối đa các công đoạn tạo ra chiếc áo dài phải được làm thủ công bằng tay không sử dụng máy móc.

Bà Lê Thị Quyến chia sẻ: “Trừ công đoạn vắt sổ vải ra thì tất cả đều được tôi làm băng tay hết, từ đo, cắt vải cho đến khâu áo”.

Bà cho rằng một chiếc áo dài đẹp nhất phải được chăm chút từng đường kim mũi chỉ. Đã ngoài 80 tuổi thế nhưng việc xâu kim hay đo áo đối với bà dễ dàng như nhặt mớ rau.

Cụ bà 80 tuổi miệt mài với những chiếc áo dài truyền thống Hà Thành - 3

Từng đường kim vẫn được khâu thủ công

Theo bà Lê Thị Quyến, việc khâu áo dài bằng tay đem lại cái hồn cho chiếc áo, từng đường kim mũi chỉ được nắn nót vừa vặn với số đo của người mặc.

Tuy nhiên việc khâu áo dài cũng khó hơn vì vải để làm áo dài đều được làm từ những chất vải mềm và mỏng nên rất dễ khiến đường kim đi lệch đi.

Bà Lê Thị Quyến tâm sự:”Ngày trước kỹ thuật làm kim, chỉ và vải không được như bây giờ, để làm được 1 chiếc áo có khi tay đầy vết đâm lỗ dỗ dớm cả máu. Nhưng khi khách khoác lên tấm  áo vừa vặn do chính tay tôi làm ra thì cảm giác vui lắm”.

Cụ bà 80 tuổi miệt mài với những chiếc áo dài truyền thống Hà Thành - 4

Rất nhiều khách quen tìm đến bà thường xuyên 

Tiếng lành đồn xa, không chỉ khách hàng là người Việt Nam mà không ít khách nước ngoài tìm đến người thợ may già này. Có không ít người đặt hàng thường xuyên để gửi đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc,....

Một trong những vị khách từ thủa đầu mở tiệm là bà Đỗ Thị Hồng 56 tuổi trú tại Phan Huy Ích (Ba Đình, Hà Nội). Bà Đỗ Thị Hồng chia sẻ: “Tôi biết đến tiệm may Vinh Trạch đã 20 năm nay. Mặc dù đã thử qua rất nhiều tiệm may, thế nhưng áo dài ở đây vẫn khiến tôi ưng ý nhất”.

Theo bà Đỗ Thị Hồng, cái tính cẩn thận, tỉ mỉ của bà Lê Thị Quyến khiến những chiếc áo dài trở nên có hồn có thể làm vừa lòng những người khó tính nhất.

Cụ bà 80 tuổi miệt mài với những chiếc áo dài truyền thống Hà Thành - 5

Bí quyết của bà Quyến là không ngừng học hỏi

Bà Lê Thị Quyến chia sẻ bí quyết thu hút khách tới với tiệm may: “Làm nghề này phải học hỏi mỗi ngày, có thế mới nắm bắt được xu hướng của xã hội và tâm lý khách hàng”.

Làm nghề gần 70 năm, chứng kiến sự thay đổi kiểu cách mẫu mã của áo dài Việt Nam, bà Lê Thị Quyến luôn học hỏi không ngừng nghỉ. Bởi thế những chiếc áo liền vai, cao cổ, dài vạt thời xưa đến những chiếc áo dài cách tân thời nay bà đều làm được.

Hiện nay, 7 người con của bà Lê Thị Quyến mặc dù học hành đến nơi đến chốn, có công việc ổn định thế nhưng đều quay về với nghề làm áo dài. Mỗi người có một tiệm may, cửa hàng riêng. Bởi với gia đình bà, đây không chỉ đơn thuần là một nghề mà còn là những thứ thiêng liêng cha ông để lại.

                                                                                          Phạm Công