Hà Nam triển khai chi trả sớm gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - “Nhận thức vào cuộc của các cấp chính quyền, nhân dân là rất quan trọng, điều này sẽ quyết định việc thành công chủ trương chính sách của Chính phủ”.

Đây là chia sẻ của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam Nguyễn Mạnh Tiến về kết quả của Hà Nam triển khai thực hiện chi trả gói an sinh 62.000 tỷ đồng tới người dân gặp khó do đại dịch Covid-19 tại chương trình Giao lưu trực tuyến “Ai sẽ được hưởng lợi từ gói 62.000 tỷ đồng” diễn ra sáng ngày 8/5.

Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Báo điện tử Dân trí tổ chức.

Hà Nam triển khai chi trả sớm gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng - 1

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam .

Ông Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, Hà Nam chọn cách xây dựng kế hoạch từng cấp: Tỉnh xây dựng kế hoạch cấp tỉnh, huyện xây dựng kế hoạch cấp huyện, xã xây dựng kế hoạch cấp xã. Tổ chức tiến hành tại 1 cấp là UBND xã và ngay tại một địa điểm là UBND xã.

Theo đó, thành lập 2 tiểu ban, 1 tiểu ban chi trả gồm cán bộ LĐ-TB&XH và tài chính. 1 tiểu ban giám sát cán bộ mặt trận, các đoàn thể quần chúng. Chủ tịch UBND xã là trưởng ban chỉ đạo 2 tiểu ban này.

“Việc tiến hành cùng cấp cùng địa điểm tránh được trùng lắp rất nhiều. Sự tham gia vào cuộc của quần chúng nhân dân, từ khâu rà soát danh sách đến tiến hành chi trả, tổng thanh quyết toán công khai. Chúng ta đạt được yêu cầu minh bạch, nhanh gọn công khai, đáp ứng nguyện vọng của người dân và mục tiêu của Chính phủ”, ông Tiến cho biết.

Khi Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 có quyết định triển khai thực hiện, Hà Nam đã thực hiện ngay nguồn hỗ trợ này đến các nhóm đối tượng được thụ hưởng.

Hôm 17/4 vừa qua, Hà Nam tiến hành tổ chức rà soát cấp kinh phí tạm ứng. Dự toán tổng số tiền chi trả cho các đối tượng là 106 tỷ đồng, các xã huyện đã trích nguồn dự phòng ra tạm ứng cho các đối tượng thụ hưởng. Đã chi được hơn 70%, còn lại khoảng 48 tỷ đồng nữa sẽ chi trả nốt.

Liên quan đến đối tượng lao động tư do, ông Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, tỉnh tiến hành chi trả 1 tháng trước là tháng 4. Yêu cầu đề ra là không có thu nhập hay thu nhập dưới mức cận nghèo. Thực tế trên địa bàn phát sinh một số trường hợp: đối tượng vừa là lao động tự do, vừa là phi nông nghiệp, vừa trong 8 ngành nghề theo Quyết định 15.

Thời gian thực hiện trong tháng 4, tháng này có khoảng thời gian cách ly xã hội là 22 ngày, như vậy những đối tượng thuộc các ngành nghề như vận tải thì như hầu hết lao động tự do thuộc nhóm này không có thu nhập.

Nếu có thu nhập thì, tỉnh xác định có 3 nhóm đối tượng sau: Người có nhà cho thuê, người có sổ tiết kiệm mức trên 200 triệu đồng, người trong nhóm ngành chăm sóc sức khỏe với mỗi ngày thu nhập được 200 nghìn đồng...

“Như vậy trường hợp này rất cá biệt, chúng tôi đã áp dụng và tính được vài chục người. Hầu hết đối tượng đáp ứng yêu cầu quyết định 15 đều không có thu nhập hết. Chúng tôi nắm chắc được các đối tượng cá biệt này. Đến nay chúng tôi vẫn tiến hành một cách thuận lợi. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, tháng 5 cơ bản là hết thì chắc chắn chúng ta không phát sinh nhiều trong tháng 5, sẽ tiến hành chi trả hết”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam Nguyễn Mạnh Tiến thông tin.