1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nội: Công nhân lo… không có Tết

Phạm Công

(Dân trí) - Còn vài tháng nữa mới đến Tết, thế nhưng nhiều công nhân lo lắng về lương thưởng khi mà công ty vẫn trong tình trạng khó khăn vì dịch Covid-19, giờ làm, công việc vẫn chưa được đảm bảo.

Lo lương còn chưa đủ, tính gì Tết

Chị Trần Thị Dung quê ở Sơn Dương (Tuyên Quang) đang làm công nhân cho một công ty về may mặc ở KCN Bắc Thăng Long thở dài khi nhắc đến lương thưởng dịp Tết tới đây.

Chị Trần Thị Dung cho biết: “Sau đợt dịch Covid-19 thứ nhất, công ty nơi tôi làm việc cắt giảm gần một nửa nhân sự. Tôi may mắn còn việc làm, thế nhưng công ty không nhiều việc để tăng ca nữa, thu nhập giảm chỉ còn hơn 4 triệu đồng/tháng”.

Trước đây, mức thu nhập của chị Trần Thị Dung là 8 triệu đồng/tháng. Từ khi có dịch Covid-19, chị đi làm chỉ đủ trả tiền nhà trọ và ăn tiêu chứ không dư giả ít nào để gửi về quê.

Hà Nội: Công nhân lo… không có Tết - 1

Chị Dung (áo vàng) cùng chị em trong công ty sau ca làm buổi sáng mà không biết sẽ làm gì trong vuổi chiều

Theo chị Trần Thị Dung, mọi năm đến thời điểm hiện tại là công ty bắt đầu đẩy mạnh sản xuất để phục vụ hàng Tết Nguyên Đán. Nhưng năm nay, hơn 500 công nhân còn lại của công ty chỉ làm việc nửa ngày.

“Mọi năm công ty thưởng tết cho công nhân tối thiểu 5 triệu đồng/người. Năm nay, tôi chỉ mong đủ lương chưa mong gì đến có thưởng” - chị Trần Thị Dung tâm sự.

Cùng tâm trạng, anh Nguyễn Đức Cảnh quê ở Việt Yên (Bắc Giang) đã có 7 năm làm công nhân cho một công ty lắp ráp linh kiện ở KCN Bắc Thăng Long cũng trong tình trạng lo lắng về lương thưởng.

Anh Nguyễn Đức Cảnh cho hay, trước đây mức lương trung bình của công nhân trong công ty từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nếu làm thêm giờ, nhiều công nhân như mức lương cao hơn, từ 7,5 - 8 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Đức Cảnh chia sẻ: “Giờ có muốn tăng ca cũng chẳng được, mỗi ngày chỉ làm 1 buổi lại còn phải nghỉ thứ 7 và chủ nhật vì chỉ còn đơn hàng cũ. Làm hết đơn hàng có khi họ cho nghỉ việc ấy chứ”.

Được biết, 2 vợ chồng anh Nguyễn Đức Cảnh đều làm công nhân và nuôi 2 con nhỏ đang học trên địa bàn xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Từ khi có dịch, thu nhập giảm sút, hai vợ chồng anh phải thắt lưng buộc bụng mới đủ lo cho các con ăn học.

Hà Nội: Công nhân lo… không có Tết - 2

Nhiều công nhân mất việc vẫn đang tìm kiếm cho mình công việc mới

“Tôi chỉ mong công ty sớm có đơn hàng trở lại chứ bây giờ mà hết việc thì không có cả tiền trả tiền nhà chứ chưa nói gì đến tiền về quê ăn Tết” - anh Nguyễn Đức Cảnh tâm sự.

Từ đầu năm tới nay, anh đi làm chỉ để cầm cự nuôi con chứ chưa dư ra được đồng nào. Còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết 2021. Nhưng trong bối cảnh khó khăn như này thì cái tết đủ đầy với gia đình anh còn ở rất xa.

Để công nhân ai cũng có Tết

Nhiều công nhân trên địa bàn Hà Nội đối mặt với nguy cơ mất Tết. Tuy vậy, công đoàn các cấp cũng đã có kế hoạch chuẩn bị chăm lo Tết cho những công nhân này. 

Theo ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội - sự phục hồi về kinh doanh sản xuất sẽ diễn ra chậm chạp, tình hình doanh nghiệp và công nhân lao động sẽ còn tiếp tục khó khăn trong những tháng tới. đặc biệt là phương án tăng lương, chi trả tiền lương, thưởng Tết và các khoản phúc lợi cho người lao động.

Trước thực tế đó, Liên đoàn lao động thành phố đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động đảm bảo cho mọi công nhân, lao động được đón Tết với tinh thần vui tươi, phấn khởi, an toàn, thiết thực.

Ông Tạ Văn Dưỡng cho biết thêm: “LĐLĐ TP Hà Nội dự kiến trích khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đón Tết Tân Sửu”.

Hà Nội: Công nhân lo… không có Tết - 3

Không đảm bảo được giờ làm, nhiều công nhân tan ca từ rất sớm 

Trong đó, 6 tỷ đồng tiền mặt sẽ được trao cho 6.000 công nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, tổ chức 40 chuyến xe ô tô đưa 1.600 công nhân khó khăn, mang thai và có con nhỏ về quê ăn tết.

Được biết, LĐLĐ TP Hà Nội dự kiến tổ chức chương trình Tết sum vầy 2021 tại KCN Bắc Thăng Long dự kiến thu hút gần 1.200 công nhân tham gia.

Ngoài ra, LĐLĐ TP Hà Nội sẽ kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng với công đoàn các cấp chăm lo Tết cho công nhân lao động.

Lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội cũng chỉ đạo các công đoàn quận, huyện, ngành và các công đoàn cơ sở vận dụng mọi nguồn lực tổ chức, chăm lo cho công nhân theo hướng thiết thực. Tập trung về cơ sở và người lao động, đặc biệt công nhân các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do covid-19.