1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người chủ động nghỉ việc sẽ không còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều người lao động chủ động xin nghỉ việc để nghỉ ngơi, tìm cơ hội mới. Theo quy định hiện hành, những trường hợp này vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp rất... thoáng

Phát biểu tại hội nghị góp ý dự thảo luật Việc làm (sửa đổi), trưởng phòng nhân sự của một công ty may mặc lớn trên địa bàn huyện Củ Chi, TPHCM cho biết có rất nhiều trường hợp người lao động chủ động nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thậm chí, có tình trạng người lao động chỉ làm việc và đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng là chủ động nộp đơn xin nghỉ để làm hồ sơ hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 49 Luật Việc làm hiện hành, người lao động chỉ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp đơn phương chấm dứt hoạt động trái pháp luật.

Do đó, trong trường hợp người lao động chủ động nghỉ việc nhưng thực hiện chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật vẫn được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Người chủ động nghỉ việc sẽ không còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp? - 1

Hiện nay, người lao động chủ động nghỉ việc vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp (Ảnh minh họa: Nam Anh).

Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp này, người lao động đó có thể không tìm các công việc chính thức có đóng bảo hiểm mà chọn các công việc thời vụ, công việc ở khu vực phi chính thức để làm.

Khi đó, người lao động vừa có thu nhập từ công việc thời vụ, vừa được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tại công ty cũ.

Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay khá rộng rãi. Trong khi đó, Bộ luật Lao động quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động cũng... rất thoáng, chỉ cần báo trước cho chủ sử dụng lao động, thậm chí không cần báo trước trong một số trường hợp.

Từ đó, dẫn đến nhiều trường hợp người lao động bị sa thải, tự ý bỏ việc không báo trước… nhưng vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bộ LĐ-TB&XH nhận định, những trường hợp tự ý nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp như đề cập không phù hợp mục đích đề ra của chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách này được xây dựng nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, thực sự khó khăn về việc làm.

Người lao động nghỉ việc vì áp lực?

Từ những căn cứ trên, cơ quan soạn thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề nghị chỉnh sửa điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng hạn chế người tự ý nghỉ việc được hưởng trợ cấp.

Theo đó, Điều 111 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cơ bản vẫn giữ 4 nội dung như Điều 49 Luật Việc làm năm 2013.

Tuy nhiên, dự luật bổ sung trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc chỉ được hưởng trợ cấp trong trường hợp "được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động", cụ thể là trong 7 trường hợp.

Người chủ động nghỉ việc sẽ không còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp? - 2

Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua, người lao động không có lý do phù hợp quy định để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà tự ý nghỉ việc, chủ động nghỉ việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như hiện nay.

Góp ý cho đề xuất này, Chủ tịch công đoàn một công ty công nghệ cao đề nghị xem xét lại, không nên hạn chế quyền lợi được hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động chủ động nghỉ việc.

Theo vị này, trong môi trường làm việc công nghiệp theo dây chuyền, công việc đòi hỏi sự chuẩn xác, tỉ mỉ… trong thời gian dài, người lao động chịu áp lực rất lớn.

Khi làm việc được vài năm, người lao động thường chủ động thu xếp để nghỉ việc vài tháng cho giải tỏa áp lực, phục hồi sức khỏe tinh thần để cân bằng cuộc sống. Khi đó, nguồn hỗ trợ từ trợ cấp thất nghiệp rất quan trọng để người lao động có khả năng nghỉ việc chủ động một thời gian nhằm tái tạo sức lao động.