PhotoStory

Người dân xứ đạo kiếm tiền tỷ mỗi năm với loại đặc sản trơn tuột

Thực hiện: Hoàng Lam

(Dân trí) - Làng Phan Thanh (xã Long Thành, Yên Thành, Nghệ An) được gọi là "thủ phủ" chế biến lươn với 51 hộ sản xuất, thu hút hàng trăm lao động, doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng.

Người dân xứ đạo kiếm tiền tỷ mỗi năm với loại đặc sản trơn tuột - 1

Làng Phan Thanh (xã Long Thành, Yên Thành, Nghệ An) có gần 200 hộ dân, chủ yếu là đồng bào theo đạo Thiên Chúa, thuộc Giáo xứ Vạn Ngói. Đây cũng được xem là nơi chế biến các sản phẩm từ lươn lớn nhất tỉnh Nghệ An.

Người dân xứ đạo kiếm tiền tỷ mỗi năm với loại đặc sản trơn tuột - 2

Ban đầu, người dân Phan Thanh tranh thủ lúc nông nhàn đi câu lươn, thả úm bắt lươn để kiếm thêm thu nhập. Dần dần, nghề thu mua lươn được hình thành. Nắm bắt nhu cầu thị trường, người dân nơi đây bắt đầu chuyển sang chế biến lươn, cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài huyện.

Người dân xứ đạo kiếm tiền tỷ mỗi năm với loại đặc sản trơn tuột - 3

Theo ông Nguyễn Văn Đề - Chủ tịch UBND xã Long Thành - xóm Phan Thanh có 51 hộ dân làm nghề thu mua, chế biến lươn, thu hút 150 lao động tham gia. Trung bình một ngày, mỗi cơ sở chế biến, bán 3-5 tạ lươn thành phẩm. Trừ chi phí nhân công, nguyên liệu..., mỗi hộ lãi khoảng 50-60 triệu đồng/tháng.

"Ngày 20/1/2022, làng Phan Thanh được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Làng nghề chế biến lươn", ông Đề thông tin.

Người dân xứ đạo kiếm tiền tỷ mỗi năm với loại đặc sản trơn tuột - 4

Nếu nghề bắt lươn, úm lươn có từ khoảng 30 năm trước thì hoạt động chế biến lươn xuất hiện ở Phan Thanh khoảng 7-8 năm trở lại đây. 

Ban đầu, các hộ dân thu mua lươn của bà con trong làng, rồi mở rộng thu mua ở các vùng xung quanh, xuất bán trong, ngoài huyện và các tỉnh. Sau dần, thay vì bán lươn tươi sống, các hộ dân bắt tay vào sơ chế, chế biến thành sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm. 

Người dân xứ đạo kiếm tiền tỷ mỗi năm với loại đặc sản trơn tuột - 5

Lươn sau khi rửa sạch, cắt bỏ đầu, ruột và ướp với nghệ tươi cùng một số gia vị. Trước khi chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh, lươn sẽ được luộc chín trong hệ thống nồi điện.

Luộc lươn là công đoạn quan trọng, đảm bảo lươn vừa chín, giữ được vị ngọt, ngon, không bị bở nát khi thực hiện công đoạn tiếp theo. 

Người dân xứ đạo kiếm tiền tỷ mỗi năm với loại đặc sản trơn tuột - 6
Người dân xứ đạo kiếm tiền tỷ mỗi năm với loại đặc sản trơn tuột - 7
Người dân xứ đạo kiếm tiền tỷ mỗi năm với loại đặc sản trơn tuột - 8

Lươn sau khi luộc sẽ được gỡ bỏ sạch xương sống. Công đoạn này cần sự khéo léo, nhẫn nại, bởi vậy, chủ yếu do phụ nữ đảm nhận. Với một chiếc móng tự chế từ đoạn ống nhựa và bằng một động tác nhẹ nhàng, người thợ sẽ luồn móng nhựa vào, tách phần xương sống, chuốt một đường theo chiều dài của con lươn.

Người dân xứ đạo kiếm tiền tỷ mỗi năm với loại đặc sản trơn tuột - 9

"Thời gian đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm, tay còn cứng nên quá trình gỡ xương sẽ khiến một phần thịt bị rách. Công việc thì nhẹ nhàng, không mất nhiều sức nhưng ngồi suốt mấy tiếng, lưng, vai đều bị mỏi", bà Nguyễn Thị Gương (làng Phan Thanh) cho hay. 

Hiện các sản phẩm của làng nghề lươn Phan Thanh hết sức đa dạng, từ lươn sơ chế đến lươn thành phẩm. 

Anh Nguyễn Minh Thao (30 tuổi, một hộ dân chế biến lươn có quy mô lớn trong xóm) cho biết, mỗi ngày cơ sở của anh thu mua, chế biến từ 3 đến 5 tạ lươn sống. "Trước tôi thu mua, cung cấp lươn tươi sống cho các nhà hàng, đại lý, tuy nhiên, quá trình vận chuyển, bảo quản khiến lươn bị hao hụt. Năm 2021, dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ khó khăn, tôi chuyển qua chế biến để cung cấp tới tận bếp ăn cho khách.

Khi dịch qua đi, nhu cầu tiêu thụ của các nhà hàng, khách sạn cũng tăng, lươn chế biến được ưa chuộng vì đã được ướp sẵn gia vị, chỉ cần rã đông, nấu lên là được", anh Thao cho biết. 

Người dân xứ đạo kiếm tiền tỷ mỗi năm với loại đặc sản trơn tuột - 10

Mỗi hộ sản xuất với kinh nghiệm riêng sẽ chế biến thành những món lươn mang hương vị riêng nhưng nhất định không thể thiếu nghệ tươi và hành tăm. Trong số món ăn chế biến từ con lươn thì lươn cuộn thịt được chế biến kỳ công nhất và cũng có giá bán cao nhất.

Hiện các món ăn từ lươn chế biến sẵn của gia đình anh Thao và nhiều hộ dân nơi đây đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm - PV). 

Các cơ sở chế biến lươn tại làng Phan Thanh đã mua sắm máy móc hút chân không, sấy, cấp đông... để bảo quản sản phẩm.

Ngoài cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nhiều sản phẩm của làng nghề này đã được xuất ra nước ngoài, phục vụ người Việt Nam xa quê. Tuy nhiên, do lươn "đi" bằng  xách tay nên chi phí trung gian cao, người sản xuất chưa thu được nhiều lợi nhuận qua kênh tiêu thụ này.

Người dân xứ đạo kiếm tiền tỷ mỗi năm với loại đặc sản trơn tuột - 11
Người dân xứ đạo kiếm tiền tỷ mỗi năm với loại đặc sản trơn tuột - 12

"Các công việc gắn với con lươn mang lại thu nhập cao cho các hộ dân làng Phan Thanh. Ngoài một hộ dân nuôi, cung ứng lươn giống và lươn thịt cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, hơn 50 hộ dân thu mua, chế biến lươn có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Riêng lao động tại các cơ sở chế biến lươn ở làng Phan Thanh có thu nhập mỗi tháng 4-5 triệu đồng", ông Nguyễn Văn Đề - Chủ tịch UBND xã Long Thành cho hay.